Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tên phim gợi sự tò mò: Chỉ là yếu tố “câu khách”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhìn vào màn ảnh rộng và nhìn lên sàn diễn kịch thời gian này, thấy ngày càng nhiều những tên phim, kịch gợi tính tò mò: "Trai đẹp lắm chiêu", "Làm…", "Lấy chồng người ta", "Nước mắt người điên", "Xin lỗi em chỉ là con đĩ"…

Nhưng điều đáng nói là không phải nội dung tác phẩm làm nên những cái tên ấy, mà đạo diễn "cố tình" làm thế để… "hút khách".

Cố tình

Không phủ nhận công sức của các nhà làm điện ảnh, sân khấu khi ngày càng đi sâu khai thác những vấn đề của đời sống đương đại. Ây là những góc khuất và cả những góc không khuất của gia đình, của tình yêu lứa đôi, của lối sống giới trẻ… Song, dường như các đạo diễn đã đặt cho tác phẩm nghệ thuật của mình những cái tên "trần tục" quá mức so với yêu cầu của ngôn ngữ của nghệ thuật.

Tên phim gợi sự tò mò: Chỉ là yếu tố “câu khách” - Ảnh 1

Cảnh trong phim Lấy chồng người ta

Đơn cử là cái tên bộ phim "Lấy chồng người ta" của đạo diễn Lưu Huỳnh. Vị đạo diễn này "được tiếng" là chỉnh chu và nghiêm khắc trong công việc làm phim, cũng đã từng nổi danh ở các liên hoan phim quốc tế với hai bộ phim giàu tính nghệ thuật "Áo lụa Hà Đông" và "Huyền thoại bất tử". Vậy mà đã bằng lòng lấy cái tên không tục, nhưng cũng không có mấy nghệ thuật cho bộ phim "mới ra lò". Cái tên như anh nói "như nghĩa đen vốn có của nó mà thôi" - giống như một sự lên án từ xã hội đối với người phụ nữ. Hay như trường hợp vở kịch đầu tay của đạo diễn trẻ Trịnh Kim Chi có cái tên ban đầu nghe rất "bất thường" là "Xin anh hãy ngủ với vợ em!". Lẽ dĩ nhiên, cái sự dùng nghĩa đen ở mức "trần trụi" như thế này đã cho người ta hiểu ngay về nội dung của tác phẩm và ít nhiều hiểu về phong cách dựng kịch, làm phim của đạo diễn. Cũng phải thừa nhận, những cái tên kiểu này dễ thu hút sự tò mò của công chúng, hợp với thị trường giải trí đơn thuần (cần yếu tố giật gân, câu khách), nhưng lại thiếu trong đó chiều sâu, giàu ẩn ý mà người làm nghệ thuật cần làm khi quyết định đặt tên cho tác phẩm.

Tên phim gợi sự tò mò: Chỉ là yếu tố “câu khách” - Ảnh 2

Cảnh trong phim Lấy chồng người ta

Ở làng giải trí Việt, xu hướng đặt tên "giật gân" kiểu này đang được nhiều đạo diễn sử dụng. Nào là "Cô dâu đại chiến", nào là "Người vợ ma", "Nước mắt người điên"… Có những cái tên mà sau đó đạo diễn phải thay vì quá nhạy cảm, ví như vở "Làm…" (tên ban đầu là "Làm đĩ") của sân khấu kịch Phú Nhuận, vở "Xin anh hãy ngủ với vợ em" sau được sửa thành "Cúc cù cúc cu" - không còn bất thường nhưng lại rất vu vơ, chẳng ý nghĩa gì. Chính đạo diễn Trịnh Kim Chi cũng không giấu cái dụng ý "câu khách" khi đặt tên kịch: Phải tìm cái tên "hiền" hơn cho vở kịch đầu tay để khỏi tai tiếng khi công việc đạo diễn mới bắt đầu, chứ rõ ràng cái tên cũ tốt hơn nhiều cho việc truyền thông và bán vé.

Còn thoáng trong quản lý

Làm phép so sánh, nếu nhìn về khoảng chục năm về trước, những bộ phim, vở kịch có cái tên kiểu này, chắc chắn khó tìm thấy cơ hội ra trước mắt công chúng, vì lý do "không phù hợp với thuần phong mỹ tục". Nhưng bây giờ thì khác, như nhận xét của một số người, những cái tên giật gân không chỉ có trong kịch, phim mà có ở nhiều lĩnh vực, không chỉ ở thế giới giải trí, mà có cả ở trong nghiên cứu khoa học, làm sách. Nhiều nhất trong số này là những tác phẩm văn học - một trong những "điểm tựa" của kịch bản điện ảnh, sân khấu. Cái tên nghe rất bất cần, có phần hư hỏng "Xin lỗi em chỉ là con đĩ" là khởi nguồn từ đây, dù nội dung tác phẩm dịch rất nhân văn và "hiền". Cạnh đó là "Ma nữ đa tình", "Hồn ma trinh nữ", "Khu mộ Hắc Ông", "Bóng ma trên gác thượng"… Báo mạng thì vô số các tựa đề “trần trụi” đến mức khó chịu, còn lĩnh vực quảng cáo thì "trăm hoa đua nở" các lời lẽ giật gân… Có lẽ trong tình hình chung ấy, phim và kịch cũng đua theo để phù hợp với thị hiếu.

Tên phim gợi sự tò mò: Chỉ là yếu tố “câu khách” - Ảnh 3
Một cảnh trong vở kịch Cúc cu cúc cu
 
Cứ đặt hiện thực làm phim, dựng kịch ở hai vế ngày xưa - bây giờ mới thấy, sự giật gân trước bị phê phán thì nay có vẻ bình thường, trở thành yếu tố cho các nhà làm nghệ thuật dựa vào để hút khán giả. Vẫn biết, những cái tên này chẳng nói lên điều gì trong dụng ý nghệ thuật hay sáng tạo của đạo diễn. Vẫn biết, đây là con đường phải đi của các nhà sản xuất, các sân khấu kịch trong hành trình kinh doanh nghệ thuật khá gian nan hiện tại. Song chẳng hiểu có phải tấm barie kiểm duyệt tác phẩm trước khi công chiếu đã rộng mở hơn trước kia? Hay bởi, người ta đang hô hào, khuyến khích các nhà làm nghệ thuật đi vào khai thác các vấn đề của đời sống đương đại?