KTĐT - Sự quý mến hoặc sùng bái động vật tiêu biểu ở nhiều quốc gia cũng góp phần hình thành nên những cái tết đặc biệt. Ở Ấn Độ, rắn được coi là con vật linh thiêng, có thể ban tuổi thọ cho người già, ban con cái cho các bà mẹ.
Ngoài tết năm mới theo dương lịch hay âm lịch, nhiều quốc gia còn có các tết đặc biệt khác, thể hiện quan niệm dân tộc và bản sắc văn hóa riêng.
Tết người cao tuổi
Trên khắp thế giới, người cao tuổi luôn là đối tượng của sự tôn trọng, và ở một số nước có ngày tết dành riêng cho họ.
Ở Hàn Quốc, từ năm 1973, Tết bà mẹ tổ chức vào ngày 8-5 hằng năm được sửa thành Tết kính lão với những ưu tiên đặc biệt dành cho người từ 70 tuổi trở lên, như: trao giấy chứng nhận là người cao tuổi; giảm nửa giá tiền cho người cao tuổi khi đi xe, tắm gội, cắt tóc...
Còn tại Hong Kong, cứ tháng 12 hằng năm thì tổ chức Tết vũ đạo người cao tuổi, mục đích để họ có dịp vui chung, đồng thời nâng cao nghệ thuật vũ đạo. Các cụ lên sân khấu biểu diễn có tuổi trung bình từ 70 trở lên, đa số là thành viên của những trung tâm trợ giúp người già, nhà dưỡng lão, hội phúc lợi phụ nữ.
Ở Hi Lạp, vào mùa thu, tại đảo Christ có Tết người già. Ngoài biểu diễn các tiết mục văn nghệ chúc sức khỏe, người ta còn tổ chức "Cuộc thi chạy của người cao tuổi" với những vận động viên có độ tuổi 70-100. Họ chạy thi trong sự cổ vũ nồng nhiệt của con cháu.
Tại Mỹ, nhằm khuyến khích phong trào toàn xã hội tôn trọng người cao tuổi, từ năm 1978, ngày chủ nhật đầu tiên sau Tết lao động của Mỹ (tháng 9 hằng năm) được chính thức lấy làm ngày Tết ông bà theo đúng tinh thần một đề án do Tổng thống Jimmy Carter ký duyệt.
Ở Nhật Bản, ngày 15-9 hằng năm là Tết kính lão được pháp luật quy định. Trong ngày ấy, những người cao tuổi ăn mặc trang trọng, nhận lời chúc mừng của con cháu và bạn bè, đồng thời tham gia các hoạt động kính lão được tổ chức ở mọi nơi. Những cụ già trên 75 tuổi được đi xe công cộng miễn phí.
Ở Úc, ngày 14-8 hằng năm là tết cừu . (Ảnh minh họa) |
Còn ở tỉnh Biển Đỏ (Sudan), ngày cuối cùng của tháng 4 lại là ngày tết của... lừa! Hôm ấy các địa phương trong tỉnh đều dán la liệt ảnh lừa. Lừa được trang điểm đẹp đẽ và cùng chủ nhân dạo chơi hoặc tham gia hoạt động bán đấu giá tại những thành phố và thị trấn lân cận.
Tại miền bắc Canada, xe trượt tuyết do chó kéo là phương tiện giao thông chủ yếu nên người dân nơi đây tỏ lòng quý mến chó bằng việc dành riêng cho chúng một ngày tết vào chủ nhật tuần đầu tháng 2 hằng năm. Hôm ấy chó được nghỉ ngơi, tắm rửa sạch sẽ, trang điểm rực rỡ và ăn những món ngon.
Quy mô lớn và sôi động nhất phải kể đến tết kính bò ở Nepal. Người dân nước này rất tôn trọng bò (đặc biệt những con bò vàng - vốn được coi là bò thần). Pháp luật và tập quán dành cho bò nhiều ưu đãi hơn hẳn các vật nuôi khác. Hằng năm, Tết kính bò được tổ chức từ mồng 1 đến mồng 8-5 (theo lịch Nepal). Ngày vui vẻ nhất của dịp tết, người ta vẽ hình bò lên mặt, đầu đội sừng bện bằng rơm hay tre để hóa trang thành bò. Họ hợp thành từng đoàn "bò người", vừa đi vừa ca hát, nhảy múa diễu qua khắp đường phố. Ai có nhạc cụ gì cũngđều tấu lên, tạo ra một bản nhạc vui vẻ khác thường.
Là nước sản xuất nhiều lông cừu nên ở Úc cuộc sống người dân cũng gắn bó với cừu. Họ tổ chức ngày Tết cừu vào 14-8 hằng năm. Từ sáng sớm, nhân dân khắp các bang đốt pháo, nói những lời chúc mừng với đàn cừu rồi lùa chúng ra đồng cỏ.
Tại Hungary, Tết nho được cử hành vào mùa thu hoạch. Dịp này, người ta dùng rất nhiều hoa tươi, đèn màu trang trí khắp đường phố. Ở cửa nhà thường có treo tấm biển đề "Thần rượu", ý chỉ một mùa nho bội thu dâng lên thần. Thanh niên ăn mặc đẹp, cưỡi trên những con ngựa và những cỗ xe trang hoàng lộng lẫy, đi dạo trên mọi con đường xuyên qua các cánh đồng nho; sau đó họ tụ tập lại những khoảng trống ngoài đồng và cùng nhau múa điệu "Thu hoạch nho" theo đúng truyền thống địa phương.
Còn ở Nhật Bản, anh đào được coi là quốc hoa và năm nào nhà nước cũng dành 1 tháng (từ 15-3 đến 15-4) cho Tết anh đào. Do khác nhau về khí hậu giữa các vùng địa lý Nhật, hoa anh đào nở từ tháng 3 đến tận tháng 7, từ miền nam chuyển dần lên miền bắc.
Cứ đầu tháng 4, tháng 5, Chính phủ Nhật cử hành lễ hội thưởng thức anh đào do đích thân Nhật hoàng hoặc thủ tướng chủ trì, có mời các quan chức, những nhân vật tên tuổi trong nước và khách quốc tế tham dự. Khắp nơi, người ta tụ tập dưới gốc cây ngắm hoa, uống rượu và hò hát, nhảy múa tưng bừng suốt ngày đêm.
Tết đèn
Ánh sáng là yếu tố gắn bó mật thiết với cuộc sống con người, biểu tượng cho những sự tích cực (sức sống, điều tốt lành, tính công minh...) nên một số dân tộc đã tôn vinh nó bằng việc tổ chức Tết đèn.
Ở Israel, Tết đèn còn là nghi thức quan trọng không thể thiếu của Tết năm mới (Hanukkan). Đêm giao thừa (đêm 25 tháng Kislev theo lịch Do Thái), cả gia đình thắp chung một ngọn nến trên chiếc đèn menorah. Bảy đêm tiếp theo, mỗi đêm thắp thêm một ngọn. Sau đó, người ta đọc kinh, cầu nguyện rồi đem đặt cây đèn với 8 ngọn nến này ở cửa sổ mở, ngụ ý chuyển lời chúc mừng năm mới của gia đình mình đến mọi người xung quanh.
Tại Myanmar, Tết đèn được cử hành long trọng trong 3 ngày (từ 14 đến 16-7, theo lịch nước này). Dịp Tết đèn, buổi tối, trước cửa các nhà đều được trang trí bằng đủ loại đèn với những hình dáng, kích thước và màu sắc phong phú. Người dân kéo nhau đi xem đèn, rước đèn, tham gia các tiết mục văn nghệ và thi dệt áo cà sa dưới ánh sáng lung linh.
Tết trồng cây
Ở Ba Lan, gia đình nào có người sinh nở thì phải trồng 5 cây (gọi là cây "gia đình"). Trên đảo Java (Indonesia), vợ chồng mới cưới phải trồng 2 cây, khi ly dị phải trồng 5 cây, cưới lần thứ hai phải trồng 3 câynếu không chính quyền sẽ không công nhận cuộc hôn nhân...