Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thạc sĩ 27 tuổi đi bộ xuyên Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 27 tuổi, thạc sĩ giáo dục Võ Mạnh Tuấn, giảng viên trường Trung cấp nghề Kon Tum quyết định đi bộ xuyên Việt.

Trên lưng là chiếc balô nặng hơn 20 kg, mỗi ngày Võ Mạnh Tuấn đều đặn đi khoảng 40 km qua các tỉnh dọc Quốc lộ 1A từ Hà Nội đến TP HCM, với hy vọng nhiều người cùng chung tay tiếp sức đến trường cho con em ngư dân nghèo.

27 tuổi, thạc sĩ giáo dục Võ Mạnh Tuấn, giảng viên trường Trung cấp nghề Kon Tum quyết định đi bộ xuyên Việt.

Đeo chiếc balô trên lưng cùng cờ tổ quốc và lá cờ xanh in dòng chữ "Hướng về biển Đông", anh khởi hành từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội) hôm 19/7 và dự kiến sẽ tới Dinh Độc Lập (TP HCM) vào ngày 17/9 sau khi đi qua 20 tỉnh, thành phố.
Thạc sĩ Võ Mạnh Tuấn quyết định đi xuyên Việt để kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ con em ngư dân nghèo đến trường. Mỗi ngày anh đi được khoảng 30-40 km. Ảnh: Nguyễn Đông.
Thạc sĩ Võ Mạnh Tuấn quyết định đi xuyên Việt để kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ con em ngư dân nghèo đến trường. Mỗi ngày anh đi được khoảng 30-40 km. Ảnh: Nguyễn Đông.
Một tháng cơm đường, cháo chợ, ngày 20/8, Tuấn có mặt ở Quảng Nam. Sau nửa chặng đường, nước da của chàng trai gốc Quảng Trị nắng gió thêm đen sạm, duy đôi chân vẫn dẻo dai. "Từ khi bắt đầu hành trình, mình chưa khi nào ốm đau", anh Tuấn nói, đôi mắt đầy hy vọng sẽ đủ sức khỏe để chinh phục quãng đường 1.730 km, về đích đúng hẹn. Dù đã có 2 năm luyện tập đi bộ, nhưng khi bước ra quốc lộ anh gặp nhiều khó khăn với những đoạn đường đang sửa chữa hay xe cộ phóng vun vút.

Ý tưởng đi xuyên Việt của anh le lói từ 7 năm trước, khi được một người bạn cho xem đoạn video về trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988. Tháng 5 vừa qua, Trung Quốc tiếp tục hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, liên tiếp uy hiếp, gây thiệt hại cho ngư dân Việt Nam đã thôi thúc Tuấn xây dựng chương trình thiện nguyện "Tiếp bước đến trường - vững chí vươn khơi" nhằm quyên góp ủng hộ học sinh nghèo con của ngư dân.

"Hình ảnh những người lính hải quân ngã xuống ở Trường Sa luôn ám ảnh. Tôi muốn góp một phần nhỏ bé của mình để giúp đỡ những học sinh nghèo. Khi các em được đến trường, cha mẹ các em sẽ càng vững lòng bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa", Tuấn chia sẻ. Anh làm đơn xin nghỉ dạy 2 tháng trong đợt hè và được lãnh đạo trường Trung cấp nghề Kon Tum đồng ý. Giảng viên trẻ dành dụm số tiền lương ít ỏi mua sắm tư trang rồi xách balô lên và đi.

Không dám nói với gia đình về hành trình của mình, nhưng một tuần sau Tuấn nhận được điện thoại của bố mẹ ủng hộ hết lòng. Những cuộc điện thoại từ những người xa lạ hỏi thăm về hành trình ý nghĩa này càng làm anh thêm phấn khích. "Trên chặng đường đi, có người dân giúp đỡ bữa cơm, chai nước, có người còn ủng hộ cả tiền nên tôi đã quyết định giữ số tiền đó để trao cho học sinh nghèo trước thềm năm học mới", Tuấn kể.

Theo anh, tình hình phức tạp trên biển Đông hiện nay khiến đời sống của ngư dân Việt thêm bội phần gian khó. Mỗi lần đến thăm gia đình ngư dân, anh ân cần động viên con của họ rằng "các em hãy tự hào về cha mẹ của mình". Sau mỗi ngày, thông tin về hành trình được anh chia sẻ trên trang cá nhân Facebook, cùng lời nhắn gửi đến người dân trên dải đất hình chữ S này nên biết rằng ngư dân là những cột mốc sống gìn giữ chủ quyền biển đảo.

Anh cho rằng việc đi xuyên Việt của mình không phải để được nổi tiếng, mà bản thân anh chỉ mong giúp đỡ được những hoàn cảnh ngư dân gặp khó khăn. Chuyến đi cũng là dịp để Tuấn hiện thực hóa quan điểm sống có trách nhiệm với đất nước. "Yêu nước không nhất thiết phải cầm súng ra trận, hay đi bộ như mình. Nhưng yêu nước ngoài sự tỉnh táo thì phải đặt đúng vị trí, trình độ chuyên môn và khả năng của từng người để đóng góp cho cộng đồng", Tuấn nhắn gửi.

Tuấn cũng luôn tự vấn bản thân, đừng vô cảm, hãy sống có trách nhiệm, khi chúng ta cho đi thì sẽ nhận lại nhiều hơn, sẽ cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa.