Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thạch Thất: 6 xã được nhận Bằng khen của Thủ tướng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/8, huyện Thạch Thất tổ chức Hội nghị công bố quyết định, trao bằng công nhận và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015.

Đồng chí Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02 Thành ủy đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Theo ông Trần Đức Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, 6 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới lần này gồm các xã: Đại Đồng, Hương Ngải, Phùng Xá, Dị Nậu, Bình Yên, Hạ Bằng. Trước khi xây dựng nông thôn mới, xã Đại Đồng có 6/19 tiêu chí đạt; Hương Ngải có 6/19 tiêu chí đạt chuẩn; Phùng Xá có 7/19 tiêu chí đạt; Dị Nậu có 7/19 tiêu chí đạt; Bình Yên có 8/19 tiêu chí đạt; Hạ Bằng có 7/19 tiêu chí đạt.

 Sau khi đề án xây dựng nông thôn mới tại các xã được phê duyệt, Đảng ủy 6 xã trên đã ban hành nghị quyết chuyên đề; thành lập ban chỉ đạo chương trình do đồng chí Bí thư đảng ủy làm trưởng ban, các tiểu ban xây dựng nông thôn mới ở các thôn, đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện đề án; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền cả chiều rộng và chiều sâu. Nhiều xã, nhiều thôn đã kiên trì tổ chức nhiều hội nghị, họp nhiều lần, nhiều kênh vận động tuyên truyền đến khi 100% hộ đồng thuận, điển hình như xã Hương Ngải, Dị Nậu, Phùng Xá.

 
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Công Soái trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng công nhận cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Công Soái trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng công nhận cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong đầu tư, nâng cấp hạ tầng, các xã đã thực hiện khai thác, phát huy giá trị các công trình hiện có rà soát tính toán cụ thể, xác định nhu cầu vốn, nguồn vốn để hoàn thành tiêu chí về cơ sở vật chất. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tu sửa, nâng cấp những công trình cần thiết nhằm đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với các dự án đầu tư mới phải đảm bảo đầu tư đồng bộ đạt chuẩn, quan tâm đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế, trong đó ưu tiên lĩnh vực phát triển nông nghiệp để tăng giá trị sản xuất trên diện tích canh tác. Tập trung quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh theo quy hoạch nông thôn mới, hình thành các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao như các mô hình trồng rau an toàn, mô hình trồng hoa. Ngoài lĩnh vực phát triển nông nghiệp, một số xã có nghề truyền thống như nghề cơ, kim khí, nghề mộc, làm nhà cổ, trạm trổ đã thu hút được rất lao động nông nghiệp trong và ngoài xã tham gia đã góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Thu nhập bình quân đầu người của các xã tăng từ 17,5 triệu đồng năm 2010 lên từ 24 - 27 triệu đồng/người/năm 2013. 100% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh, tổ chức thu gom rác thải hàng ngày, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng được nâng cao, các phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng được quan tâm; chú trọng công tác đào tạo nhân cấy nghề cho lao động nông thôn góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo.

 Với những kết quả đạt được, 6 xã: Đại Đồng, Hương Ngải, Phùng Xá, Dị Nậu, Bình Yên, Hạ Bằng đã được Thành phố trao bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2013 giai đoạn 2011 - 2015 và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

 Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Công Soái ghi nhận và đánh giá cao những kết quả huyện đã đạt được trong việc thực hiện Chương trình 02 của Thành phố. Thời gian tới, Phó Bí thư đề nghị huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của đội ngũ cán bộ đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp - nông dân - nông thôn, gắn với hiệu quả thực hiện Chương trình 02 của Thành phố. Trong đó lưu ý nông nghiệp phải phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho bà con để giảm dần sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị; Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, phát triển theo quy hoạch, gắn hợp lý giữa nông nghiệp – công nghiệp, dịch vụ và đô thị, bảo đảm xây dựng nông thôn mới ổn định giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Những xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cố gắng duy trì, phát triển 19 tiêu chí đã phấn đấu.

 Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, trong đó, ưu tiên các quy hoạch phát triển sản xuất cây ăn quả, cây giá trị cao, các khu vực chăn nuôi quy mô lớn, tập trung, xa dân cư, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ để giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, quản lý hiệu quả, đúng mục đích quy hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, tập trung sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho nông dân, quan tâm làm tốt công tác dồn điền đổi thửa gắn với việc chuyển giao ứng dụng công nghệ sản xuất mới, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, chăm lo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, trước mắt là công tác bố trí, đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt để đáp ứng yêu cầu đề ra; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.