Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thạch Thất phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện Thạch Thất luôn chú trọng phát triển các mô hình kinh tế theo quy hoạch.

Tuy nhiên, việc lập quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) của huyện đang gặp khó, rất cần được TP quan tâm, hỗ trợ kịp thời.

Từ các mô hình kinh tế hiệu quả...

Trang trại 1,4ha của anh Nguyễn Đỗ Thế Cường, xã Hương Ngải là mô hình kinh tế tiêu biểu của Thạch Thất. Hiện nay, cùng với ao nuôi cá lăng với số lượng hàng nghìn con, anh còn dành 2 sào đất để trồng trùm ngây – một loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, đang được thị trường ưa chuộng. Năm 2015, chỉ tính riêng tiền thu lãi từ bán cá lăng và rau trùm ngây, anh đã có thu nhập trên 500 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn làm chủ một vườn lan đẹp có tiếng trong vùng với hơn 100 loài, gồm: Lan rừng, lan bản địa, lan đặc hữu, lan mô. Mới đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT) tham gia thực hiện đề án Bảo tồn và phát triển hoa lan, vườn lan của anh đã trở thành địa chỉ tham quan, cung cấp hoa lan uy tín của đông đảo người chơi lan trên địa bàn TP.
Anh Nguyễn Đỗ Thế Cường chăm sóc vườn lan của gia đình.
Anh Nguyễn Đỗ Thế Cường chăm sóc vườn lan của gia đình.
Là người đi tiên phong trong lĩnh vực nuôi lợn nái ngoại, trang trại của ông Đỗ Xuân Nhung, ở xã Kim Quan đang nuôi 170 con lợn nái. Bên cạnh đó, ông nuôi thường xuyên từ 800 - 900 con lợn thịt, mỗi năm xuất bán 2 lứa với sản lượng trên 200 tấn lợn hơi. Với niềm đam mê làm trang trại và phương châm "lấy ngắn nuôi dài", ông còn trồng nhiều loại cây ăn quả cho giá trị cao như thanh long ruột đỏ, bưởi Diễn, nhãn muộn. "Trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi năm trang trại của gia đình cho thu lãi xấp xỉ 1 tỷ đồng" – ông cho biết.

Theo số liệu tổng hợp của UBND huyện Thạch Thất, đến nay, toàn huyện có 52 trang trại chăn nuôi, 115 mô hình chuyển đổi từ ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý, sau dồn điền đổi thửa, huyện đã quy hoạch thêm 92ha xây dựng các mô hình chăn nuôi, thả cá kết hợp trồng cây ăn quả. Trên địa bàn huyện ngày càng có nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao lại dễ thực hiện như: Trồng rau trái vụ, khoai tây xuân ở Hương Ngải, Dị Nậu; trồng hoa ly ở Đại Đồng, Yên Bình, Bình Yên; trồng cây cảnh, cây bóng mát ở Thạch Hòa, Đồng Trúc...

... đến những vướng mắc cần tháo gỡ

Xác định công tác quy hoạch là tiền đề thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, Thạch Thất coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, bài bản. Tuy nhiên, quá trình lập quy hoạch của huyện đang gặp không ít khó khăn do nhiều diện tích đất nông nghiệp của huyện nằm trong quy hoạch của T.Ư và TP, trong đó phải kể đến các dự án khu CNC Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội, khu đô thị sinh thái huyện Phúc Thọ (có thu hồi 200ha đất thuộc địa phận xã Đại Đồng)... Theo ông Chu Đại Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, nhiều dự án đã được phê duyệt trước khi hợp nhất nhưng chậm rà soát và công bố là nguyên nhân khiến công tác quy hoạch của huyện “đụng đâu vướng đó”.

Đây cũng là vấn đề được cử tri các xã, thị trấn trên địa bàn huyện quan tâm, nhiều lần kiến nghị huyện đề xuất TP có giải pháp gỡ vướng, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất. Ông Nguyễn Chí Lượng – Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết, đơn cử như việc xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của huyện rất khó đáp ứng theo yêu cầu của TP quy định tiêu chuẩn đối với đề án vùng sản xuất nông nghiệp CNC phải đảm bảo 20ha trở lên. Tuy nhiên, để tránh lãng phí tài nguyên đất đai, huyện đã đề xuất TP cho phép chuyển đổi sang trồng rau an toàn, hoa, cây cảnh, chăn nuôi ứng dụng CNC đối với những diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi từ nhiều năm trước. Cụ thể, huyện quy hoạch 30 vùng trồng rau, 2 vùng trồng hoa và 8 trang trại chăn nuôi nằm trong danh sách vùng sản xuất nông nghiệp, ứng dụng CNC giai đoạn 2016 - 2020 trình TP phê duyệt.