Theo báo cáo, trên toàn địa bàn huyện Thạch Thất có 129 cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập với khoảng hơn 100.000 học sinh, sinh viên. Trong thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật của trẻ em, học sinh, người chưa thành niên, người dưới 18 tuổi trên địa bàn TP Hà Nội nói chung và huyện Thạch Thất nói riêng tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Một bộ phận thanh thiếu niên có xu hướng thoát ly khỏi sự quản lý, giáo dục của gia đình, bỏ học, đua đòi, tụ tập theo bạn bè xấu dẫn đến sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, tham gia vào các nhóm thanh thiếu niên hư, thường xuyên tổ chức đua xe, gây gổ đánh nhau với các nhóm thanh thiếu niên khác,...
Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện đã xảy ra 13 vụ việc với 145 đối tượng có liên quan tới thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật. Công an huyện đã ra quyết định khởi tố 8 vụ với 83 bị can, xử phạt hành chính là 4 vụ với 40 đối tượng, đang xác minh 1 vụ với 22 đối tượng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn các các giải pháp trong công tác phối hợp quản lý học sinh; tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông, điều khiển xe máy trên 50cm3 tới trường; đề án “Tổ dân phố, thôn, xã, thị trấn không Ma túy”; Mô hình khu dân cư không có thanh thiếu niên vi phạm pháp luật,…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng yêu cầu các phòng ban, ngành đoàn thể huyện; Ban Giám hiệu các nhà trường, UBND 23 xã, thị trấn phối hợp với Công an huyện rà soát số học sinh cá biệt, số học sinh có biểu hiện ăn chơi đua đòi, thường xuyên trốn học, nghỉ học, số học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ từng vi phạm pháp luật, có tiền án tiền sự,… để giám sát, theo dõi, giúp đỡ các em không vi phạm pháp luật.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên. Xử lý nghiêm số học sinh có hành vi vi phạm theo quy định để tạo tính răn đe, nâng cao ý thức chung trên địa bàn toàn huyện.
Tiếp tục nghiên cứu, triển khai xây dựng mô hình “Khu dân cư không có thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật”; “Khu dân cư không có ma túy”. Rà soát, lắp đặt thêm hệ thống camera an ninh trên địa bàn, đặc biệt là tại các vị trí nhạy cảm, các đoạn đường thẳng, vắng người, các điểm tụ tập đông thanh thiếu niên, nơi bán hàng, quán qua đêm,... để giám sát, phục vụ công tác phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý các vụ việc liên quan tới thanh, thiếu niên...
Đối với công tác bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN) trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ BMNN, các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác bảo vệ BMNN và đảm bảo an ninh, an toàn, thông tin, bảo vệ BMNN trên không gian mạng.
Giao Công an huyện (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ BMNN huyện) hướng dẫn các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm công tác bảo vệ BMNN trên địa bàn huyện; tiếp tục tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra để tổ chức kiểm tra toàn diện các đơn vị trên địa bàn huyện, qua đó phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định đối với những vi phạm, đặc biệt là việc lộ, mất văn bản, tài liệu có chứa BMNN.