Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thách thức cho ông Putin trong nhiệm kỳ mới

Thu Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Putin đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4 với trách nhiệm nặng nề, đưa nước Nga vượt qua những thách thức đối nội và đối ngoại.

Trước mắt, Tổng thống Nga phải đối mặt với các vấn đề trong nước, trong bối cảnh Moscow hiện đang phải đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế từ các nước phương Tây, mặc dù kinh tế Nga đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu tăng trưởng trở lại.
 
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga tăng 1,5% trong 2017 và dự báo trong năm nay tiếp tục đà tăng trưởng. Theo Cơ quan Thống kê Nga (Rosstat), thu nhập thực tế của người dân Nga trong 4 năm qua liên tục giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức tương đối cao 5,1%, khoảng 20 triệu người dân đang phải sống dưới mức nghèo đói. Bên cạnh đó, nền kinh tế Nga vốn vẫn lệ thuộc vào giá dầu, song các nước phương Tây lại áp đặt lệnh cấm bán các công nghệ khoan nước sâu để khai thác dầu mỏ, khiến sản lượng khai thác dầu của Nga có khả năng sụt giảm từ năm 2020, nếu không phát triển các mỏ dầu mới.
Để giải quyết những khó khăn này, ngay sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4, người đứng đầu Điện Kremlin tuyên bố hướng ưu tiên trong chương trình nghị sự của nhiệm kỳ Tổng thống mới là nâng cao đời sống của người dân Nga. Phát biểu trước lễ nhậm chức, Tổng thống Putin cũng đã khẳng định việc tăng thu nhập cho người dân Nga sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới của ông. Theo ông Putin, các biện pháp của Chính phủ Nga sẽ cho phép nước Nga giải quyết nhiều vấn đề như giá dầu giảm mạnh, việc gây sức ép thông qua các lệnh trừng phạt, sự thay đổi của bối cảnh chính trị toàn cầu và bảo đảm việc khôi phục và tái sinh nhiều lĩnh vực.

Sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Putin phát biểu khoảng 10 phút, tập trung vào nhu cầu của nước Nga để theo kịp với những thay đổi nhanh hơn bao giờ hết mà thế giới đang đối mặt. "Nước Nga phải hiện đại và năng động," ông Putin nói. Ông tập trung gần như toàn bộ bài phát biểu của mình về sự cần thiết cho những cải cách trong nội bộ.
Trên lĩnh vực đối ngoại, nước Nga hiện đang phải hứng chịu sức ép ghê gớm trong bối cảnh Mỹ cùng các đồng minh phương Tây không ngừng siết chặt vòng vây cô lập và trừng phạt Nga. Các nước phương Tây tìm đủ mọi lý do để gây căng thẳng với Nga, mới đây nhất là cáo buộc liên quan đến vụ đầu độc cha con cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal tại Anh. Giới phân tích nhận định, việc thực thi chính sách đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt, song vẫn bảo đảm các lợi ích quốc gia nhằm cải thiện quan hệ với phương Tây, rất có thể được ông Putin đưa vào danh sách những ưu tiên trong chương trình nghị sự.
Các mục tiêu của ông Putin trong nhiệm kỳ mới:
1. Đưa nước Nga gia nhập nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
2. Cải cách cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, tăng hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm, hàng hóa "Made in Russia".
3. Tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, các giá trị đạo đức - tinh thần Nga truyền thống đến toàn thể người dân Nga.
4. Tiếp tục triển khai học thuyết quân sự được thông qua cuối năm 2014 và Chiến lược An ninh quốc gia năm 2016. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch hiện đại hóa quân đội Nga, với việc triển khai Chương trình trang bị vũ khí trị giá hàng trăm tỷ USD trong giai đoạn 2018-2028.
5. Nhiều khả năng, Nga sẽ tiếp tục triển khai khái niệm chính sách đối ngoại năm 2016 với đường lối đối ngoại tự chủ và hướng tới thế giới đa cực.