Chiến thắng lớn
Chiếm hơn 1/3 sản lượng dầu toàn cầu, khối 14 quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đã thống nhất một thỏa thuận cắt giảm sản lượng xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày nhằm trợ giá ”vàng đen”, vốn lao dốc từ nửa cuối năm 2014.
Trong hội nghị 30/11, OPEC đã giải quyết thành công khác biệt giữa ba “ông lớn” Ả Rập Saudi, Iran và Iraq trong việc chia sẻ gắng nặng giảm sản lượng. Theo đề xuất của Algeria, OPEC đã nhất trí cắt giảm khoảng 2% sản lượng dầu nhằm trợ giá nhiên liệu này. Căng thẳng giữa Iran và Ả Rập Saudi là điểm khó khăn mấu chốt. Vấn đề địa chính trị đối lập giữa hai quốc gia Trung Đông khiến việc thương thảo tỷ lệ cắt giảm gặp khó khăn. Quốc gia nào cũng lo sợ đem lợi ích “dâng” cho nước kia, theo Barnabas Gan, nhà kinh tế của ngân hàng OCBC, Singapore.
Trong nỗ lực tạo đột phá trên bàn đàm phán, OPEC cho biết, đợt cắt giảm này sẽ ngoại trừ Iran, Libya và Nigeria, theo đề xuất của Algeria. Vào phút chót, Nga đã lật ngược lập trường, khẳng định sẵn sàng tham gia giảm sản lượng dầu một khi OPEC đạt thỏa thuận.
Trong khi Iran phàn nàn về tình trạng kinh tế khó khăn do các lệnh trừng phạt; Iraq, nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai được OPEC miễn trừ khỏi danh sách thành viên cắt giảm sản lượng lần này, cho rằng họ cần doanh thu từ dầu lửa để bù đắp vào chi phí của cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Việc này được coi là thắng lợi đối với Iran. Tehran lâu này vẫn mong giành được thị phần trên thị trường sau khi được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt phương Tây. Trước nguồn tin các ngoại trưởng OPEC đều thống nhất với đề xuất của Algeria, giá dầu Brent có thời điểm tăng 7,3%, vượt mức 49,75 USD/thùng, sau đợt suy giảm mạnh hôm trước đó. Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao dịch tại 45,52 USD/thùng, tăng 29 cent, tương đương 0,64% so với phiên trước.
Đã hết thách thức?
Hầu hết giới phân tích, bao gồm các chuyên gia Goldman Sachs và Barclays kỳ vọng, giá dầu sẽ nhanh chóng tăng lên trên 50 USD/thùng sau khi OPEC đạt được thỏa thuận và ngược lại, mức giá dầu có thể giảm xuống xuống tới 40 USD/thùng.
Một số chuyên gia khẳng định con số cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày vẫn còn khiêm tốn. Ông Georgi Slavov, chuyên gia năng lượng tại tập đoàn Marex Spectron cho rằng giá dầu sẽ chỉ tăng trong giai đoạn ngắn và sau đó trở về mức thấp kéo dài. Cắt giảm 2-3 triệu thùng/ngày mới có thể đảm bảo giá dầu tăng trong dài hạn. Tuy nhiên, con số này chưa từng được OPEC đề cập tới.
Bên cạnh đó là sự đe dọa chen chân của các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ sau khi thỏa thuận cắt giảm đạt được. Kể từ khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cho các DN Iran vào cuối năm 2015, kim ngạch xuất dầu của Mỹ đã tăng lên 700.000 thùng/ngày, thậm chí còn đang cạnh tranh với dầu thô nhẹ của Nigeria. Như CEO của hãng Continental Resources, ông Harold Hamm khẳng định, phép màu mang tên dầu đá phiến của Mỹ mới chỉ bắt đầu.