Sự kiện này được xem là buổi “ra mắt” của Tổng thống Donald Trump tại LHQ. Còn đối với các nhà lãnh đạo thế giới, đây là cơ hội đầu tiên họ gặp người đứng đầu nước Mỹ, đánh giá và cố gắng để ủng hộ khía cạnh tích cực trong các chính sách của ông Trump.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng LHQ được cho là sự xuất hiện lớn nhất của Tổng thống Mỹ trên chính trường quốc tế kể từ khi nhậm chức. Dự kiến, bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump sẽ hối thúc các nước chung tay với Mỹ nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của cả Triều Tiên và Iran.
Sau khi Hội đồng Bảo an LHQ vừa thông qua nghị quyết do Mỹ đề xuất nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhất với Triều Tiên, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng cần sự ủng hộ của LHQ trong việc xem xét Iran có tuân thủ thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) hay không trước ngày 15/10. Ông Trump rõ ràng vẫn chưa từ bỏ ý định rút khỏi thỏa thuận mà các thành viên còn lại trong nhóm P5+1 đều cho là vô cùng quan trọng này. Vì vậy, trong bài phát biểu đầu tiên trước LHQ, ông Trump phải đối mặt với thách thức thuyết phục cơ quan này đứng về phía chương trình nghị sự của ông trong hàng loạt vấn đề toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn dự đoán ông Trump sẽ có những lời lẽ "rắn" với LHQ khi trước đó từng nhiều lần kêu gọi cắt giảm đóng góp tài chính của Mỹ cho cơ quan này. Ông Trump từng than phiền về việc Mỹ phải đóng góp tới 22% trong ngân sách của LHQ. Theo ông Richard Gowan, chuyên gia thuộc Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại, người đứng đầu nước Mỹ có thể cân bằng bài phát biểu của mình bằng một số thông điệp tích cực về hợp tác và đặc biệt nhấn mạnh rằng, cường quốc số một thế giới muốn thúc đẩy giải pháp ngoại giao cho một số cuộc khủng hoảng lớn hiện nay.