Ổi an toàn vẫn chỉ bán tại vỉa hè
Nằm ven bờ tả sông Hồng, hàng năm vùng đất bãi phường Cự Khối (quận Long Biên) lại được bồi thêm lượng phù sa lớn nên ngày càng màu mỡ, cây cối trồng trên đất bãi rất xanh tốt. Chủ nhiệm HTX rau, quả an toàn Cự Khối Lê Văn An cho biết: Cả phường Cự Khối có 180ha rau màu và cây ăn quả, trong đó có 120ha ổi găng được chứng nhận vùng sản xuất rau, quả an toàn. Việc sản xuất theo quy trình VietGap với đa phần nông dân ở đây không khó, vì họ đã được tập huấn tốt về IPM và bản thân cây ổi là loại cây ăn quả ít sâu bệnh, ít phải sử dụng thuốc BVTV. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm thực sự là một nỗi nhọc nhằn. Anh Đào Việt Cường, tổ dân phố số 7 phường Cự Khối cho biết: Hiện giá ổi tại vườn bán cho thương lái chỉ từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Các hộ gia đình trồng quy mô từ 1 mẫu trở lên, đầu ra cho sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, nhiều hôm ổi chín rụng cả gốc, thương lái thu mua không kịp.
Hiện, sản lượng ổi găng toàn phường ước đạt khoảng 3.000 tấn/năm. HTX Dịch vụ nông nghiệp Cự Khối đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), đưa ổi găng Cự Khối vào hệ thống siêu thị bán lẻ trong nội thành, nhưng chỉ mới giải quyết được một số lượng nhỏ.
Nên ưu tiên cho kinh tế tập thể
Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An cho rằng, nhận thức của nông dân về sản xuất sạch, an toàn trong giai đoạn hiện nay đã tốt hơn. Ở nhiều quận, huyện, người dân đã ý thức được rằng, việc sản xuất nông nghiệp an toàn không chỉ cung cấp sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng cho người tiêu dùng mà còn an toàn cho chính bản thân người sản xuất và giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn cao hơn nhiều lần phương pháp sản xuất thông thường nên lo ngại lớn nhất của người dân là việc tiêu thụ sản phẩm.
Ổi an toàn Cự Khối (Long Biên) vẫn chưa có nơi tiêu thụ ổn định.
Thực tế cho thấy, đã có một số trang trại, nhà vườn nỗ lực để đạt được chứng chỉ VietGAP, GlobalGAP nhưng đầu ra bấp bênh, giá thu mua không ổn định, nên sau một vài năm đã không mặn mà với GAP. Các HTX nông sản mặc dù đã có nhiều cố gắng, song mới dừng lại ở mức cung ứng các dịch vụ cơ bản như: Cung cấp giống, tưới tiêu, chuyển giao KHKT còn việc lo đầu ra cho nông sản thực sự đang là một thách thức lớn.
Theo ông An, vai trò thương mại của các tổ chức kinh tế tập thể còn khá mờ nhạt. Để đổi mới cách thức làm việc của các tổ chức này, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, cần phải xem xét lại vai trò của HTX trong quá trình hoạt động. "HTX cần làm những việc mà xã viên làm không được hoặc làm không tốt. Chẳng hạn, chỉ chú trọng vào các khâu sau thu hoạch, bao gồm sơ chế, nhãn mác, tiêu thụ… Làm sao để đảm bảo lợi nhuận xã viên bán ra cao hơn so với việc bà con bán trực tiếp cho thương lái. Có như vậy mới thu hút xã viên tham gia" - ông An nói, đồng thời đề nghị cần sớm có những chính sách ưu tiên phát triển kinh tế tập thể.
Thực tế cho thấy, chỉ có những dự án hoặc quận, huyện nào làm tốt đầu ra cho sản phẩm sạch, an toàn, nơi đó người nông dân mới hứng khởi tham gia và sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đây là hướng đi tất yếu của các HTX rau, quả an toàn trên địa bàn TP trong thời gian tới.
Hiện TP Hà Nội đã có khoảng 100 HTX rau, quả an toàn rải rác ở khắp các quận, huyện. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% HTX làm tốt việc tiêu thụ sản phẩm cho xã viên, đảm bảo lợi nhuận cao, số còn lại làm ăn chưa hiệu quả.