Xuất phát từ nhu cầu của một số người dân, nhằm đạt được mục đích cá nhân hay để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo,…trên các trang mạng Internet, mạng xã hội xuất hiện ngập tràn dịch vụ nhận làm giả bằng cấp, tài liệu, giấy tờ giả các loại. Công nghệ làm giả ngày càng tinh vi, khiến việc phân biệt giấy tờ thật giả trở nên khó khăn hơn. Các đối tượng thường sử dụng máy móc hiện đại, kỹ thuật in ấn tiên tiến để tạo ra giấy tờ giả có hình thức gần giống với bản gốc.
Hiện tượng tiêu trên, đang đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa để ngăn ngừa loại tội phạm này, giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng xấu đến xã hội cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cần nâng cao ý thức, không mua bán, sử dụng các loại giấy tờ, bằng cấp giả; đề cao cảnh giác trong các giao dịch liên quan đến các loại giấy tờ, tài liệu, chỉ giao dịch tại các cơ quan, tổ chức uy tín; cẩn trọng trong việc tuyển dụng, yêu cầu ứng viên cung cấp hồ sơ đầy đủ, chính xác, tự kiểm tra, xác minh tính xác thực của bằng cấp, chứng chỉ; nếu phát hiện có hành vi sử dụng, mua bán giấy tờ, bằng cấp giả cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng biết để có biện pháp xử lý kịp thời.
Thực tế cho thấy việc sử dụng giấy tờ giả gây nhiều hậu quả khôn lường cho xã hội, nhất là khi sử dụng vào các hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, gây rối trật tự xã hội; làm ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, uy tín cá nhân, mất niềm tin của cộng đồng. Năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Thái Bình đã thực hiện giám định 70 vụ liên quan đến giấy tờ giả, qua đó phát hiện 371 văn bằng, chứng chỉ, 13 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 29 Căn cước công dân giả.
Công an tỉnh Thái Bình khuyến cáo người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời thông tin về các trường hợp mua bán, làm giả giấy tờ để xử lý nghiêm trước pháp luật.