Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thái Lan: 5 kịch bản bầu cử đầu tiên sau đảo chính chấn động

Hương Thảo (Theo AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thái Lan đã chứng kiến ​​12 cuộc đảo chính trong 90 năm qua - trung bình cứ 7 năm sẽ có sự tiếp quản quân sự 1 lần.

Hôm nay (24/3), người dân Thái chính thức bỏ phiếu sau 8 năm diễn ra sự kiện chính phủ bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính. Nhiều tình huống đã được nhận định, thậm chí bao gồm khả năng về một vụ lật đổ khác hòng đặt lại bối cảnh chính trị hiện có tại nước này.
Một điểm bỏ phiếu tại Thái Lan hôm 24/3.
Sức mạnh mới nổi được củng cố
Chính quyền hiện tại của Thái Lan được đánh giá có cơ hội lớn để dành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này. Cựu Đại tướng Quân đội Hoàng gia Thái Lan Prayut Chan-O-Cha, người nắm quyền Thủ tướng vào năm 2014 sau cuộc chính biến, hiện đang được hưởng lợi từ một điều lệ do chính phủ tạo lập, khi nó cho phép chính quyền chỉ định Thượng viện gồm 250 thành viên, nghĩa là Đảng Phalang Pracharat non trẻ của ông Prayut chỉ cần 126/500 ghế của Hạ viện để chọn có thể bầu Thủ tướng mà mình ủng hộ.
Ngược lại, các đối thủ của Đảng này cần giành được 376 ghế ở Hạ viện để đảm bảo đa số Quốc hội trong số tổng số 750 ghế. Tuy nhiên, sự trở lại của ông Prayut với tư cách là một Thủ tướng có thể bị cản trở bởi các câu hỏi về tính hợp pháp nếu ông phụ thuộc vào Thượng viện không được lựa chọn.
Sức mạnh của liên minh
Các Đảng đối lập tại Thái Lan đang phải đối mặt với một trận chiến khó khăn nhưng mọi chuyện có thể sẽ khác khi họ liên kết lại để đi ngược tỷ lệ cược hiện nay. Đây được xem là một giải pháp hữu hiệu giúp các đảng lớn - chẳng hạn như Đảng Pheu Thai có liên kết với bộ máy chính trị của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra - có thể giành chiến thắng.
Các đảng liên kết với Shinawatra đã giành chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử kể từ năm 2001 và họ dự kiến ​​sẽ giành được 150-200 ghế trong lần này. Pheu Thai sẽ cần phải tìm đến các bên khác để đạt ngưỡng 376 ghế.
Tuy nhiên nhà phân tích Thitinan Pongsudhirak của ĐH Chulalongkorn lưu ý, một điều lệ hạn chế số ghế với các Đảng lớn đã được tạo ra nhằm giữ cho các Đảng liên kết với "thế lực" Thaksin không thể nổi lên với số lượng lớn nghị sĩ. Bên cạnh đó, Đảng Dân chủ - đã không giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử trong gần 2 thập kỷ qua tại Thái - tuyên bố họ sẽ không tham gia một liên minh do Pheu Thai lãnh đạo trong giai đoạn này.
Tiếng nói khó lường của lớp trẻ
Hơn 7 triệu người Thái sẽ có cuộc bỏ phiếu đầu tiên của đời mình và được dự đoán bộ phận trẻ này sẽ không bị gò bó vào các tư tưởng chính trị truyền thống. Phiếu bầu của họ và hệ thống mới có thể giúp các Đảng nhỏ giành được nhiều ghế hơn và có thể mang lại cho những nhóm - vốn được mệnh danh là "người ngoài cuộc", như Future Forward - một vai trò quan trọng trong việc hình thành nên chính phủ.
Thế giằng co và một chính phủ tạm thời
Giả sử không bên nào giành được đa số áp đảo, cuộc bầu cử có thể kéo theo một thời gian dài bế tắc và khi đó "chắc hẳn nó sẽ là một mớ hỗn độn", nhà khoa học chính trị Napisa Waitoolkiat của ĐH Naresuan nói với AFP.
Hơn hết, một lễ đăng quang chính thức của Quốc vương Maha Vajiralongkorn hiện đã lên kế hoạch chỉ 6 tuần sau cuộc bầu cử hôm nay, chính quyền sẽ không thể cho phép bất kỳ sự xáo trộn, biểu tình hay bất ổn nào trong thời điểm đó.
Khi đó, một chính phủ tạm thời có thể được Ủy ban bầu cử sắp đặt để lèo lái đất nước một cách hòa bình qua lễ đăng quang, dự kiến diễn ra từ ngày 4/5. Tuy nhiên sau khi lễ đăng quang kết thúc, tình hình và thời gian kéo dài là điều khó có thể dự đoán.
Lại đảo chính?
Nhà phân tích Thitinan Pongsudhirak cho biết, tiền lệ đảo chính của Thái Lan đã cho thấy sức mạnh quân sự "không bao giờ có thể bị loại trừ". Và nếu cuộc bầu cử dẫn đến chiến thắng không tưởng cho các Đảng chống chính quyền, thì "khả năng sử dụng quân sự sẽ tăng lên", ông Thitinan nói.
Thái Lan đã chứng kiến ​​12 cuộc đảo chính trong 90 năm qua - trung bình cứ 7 năm sẽ có sự tiếp quản quân sự 1 lần. Nước này hồi tháng trước cũng đã từng rung chuyển bởi những tin đồn về một cuộc lật đổ sau khi Công chúa Ubolratana Rajakanya bị em trai mình - Quốc vương Maha Vajirusongkorn - công khai phản đối bà tranh cử Thủ tướng.