KTĐT - Theo kết quả khảo sát mới công bố của trường Đại học Thai Chamber of Commerce ở Thái Lan, nhiều chuyên gia Thái Lan đang thực sự lo ngại sự cạnh tranh ngày càng lớn của Việt Nam đổi với nhiều ngành mũi nhọn của Thái Lan, trên các thị trường chủ chốt của Thái Lan.
Các chuyên gia công nghiệp ở Bangkok cảnh báo các thương gia và nhà chế tạo Thái Lan đang đứng trước nguy cơ mất dần khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Mỹ có kế hoạch đàm phán sớm để thiết lập Quan hệ Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Australia, New Zealand, Chilê, Singapore, Brunei và Việt Nam.
Cho đến nay, Mỹ đã thông báo chiến lược rõ ràng về kiến lập khối thương mại với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với mục tiêu duy trì năng lực cạnh tranh với Trung Quốc. Theo đó, TPP sẽ giữ vai trò như là một hình mẫu cho sự hình thành Hiệp định tự do thương mại (FTA) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong lúc các cuộc thương thảo về FTA giữa Mỹ và Thái Lan đã bị đình trệ sau hơn ba năm nay.
Các nhà kinh tế nói rằng, mặc dù xuất khẩu năm nay của Thái Lan dự báo sẽ tăng 10,5% lên 166,9 tỷ USD, so với 151 tỷ USD (giảm 15,1%) năm 2009, nhưng việc Việt Nam hạ giá đồng tiền (VND) và nhiều nhà xuất nhập khẩu Thái Lan chưa chuẩn bị tốt về mọi mặt để sẵn sàng kiếm lợi từ những Hiệp định về khu vực thương mại tự do (FTA) nên đà tăng trưởng thương mại của xứ "chùa Vàng" có thể không cao như mức trông đợi. Vì Việt Nam là đối thủ cạnh tranh lớn về xuất khẩu và sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng nể nhất của Thái Lan, nên nếu Việt Nam giảm giá VND thêm 5% nữa thì xuất khẩu của Thái Lan sẽ thấp hơn so với mức dự báo kể trên. Những mặt hàng của Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự hạ giá VND bao gồm gạo, hàng dệt may, giày dép và thủy hải sản. Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất hàng dệt may Thái Sukij Kongpiyacharn cho rằng, các nhà nhập khẩu của Mỹ sẽ hướng tới chọn hàng dệt may của Việt Nam, nếu TPP hình thành và Việt Nam hoàn tất FTA (với Mỹ) - việc sẽ làm giảm mạnh thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may Việt Nam. Động thái trên dẫn đến nhiều nhà đầu tư sẽ chuyển các ngành công nghiệp tới Việt Nam do Mỹ là một trong những thị trường tiêu thụ nhiều hàng dệt may nhất thế giới.
Kessiri Siripakorn phụ trách Văn phòng thương mại Thái Lan tại Washington nhận xét, các nhà xuất khẩu Thái sẽ đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng nhiều từ Việt Nam trên thị trường Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan sang Mỹ đã giảm 20,1% xuống còn 15,1 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2009.
Aat Pisanwanich, giám đốc Trung tâm nghiên cứu thương mại quốc tế thuộc trường Đại học kể trên nhận xét, dù xuất khẩu của Thái Lan sẽ tăng lên đáng kể sau khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy kinh tế thế giới đang phục hồi, song trước việc Việt Nam hạ giá trên 5% VND, xuất khẩu của Thái Lan sẽ gặp nhiều khó khăn khi các công ty xuất nhập khẩu Thái chưa tận dụng ngay được những cơ hội mà AFTA và FTA ASEAN-Trung Quốc có thể đem lại. Bên cạnh việc đồng bạt Thái có thể tiếp tục mạnh lên so với đồng USD, sự cạnh tranh gia tăng giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc sau khi thực hiện các thỏa thuận thương mại tự do, những yếu tố khác có thể ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu năm nay gồm giá dầu mỏ tăng, lãi suất cao, tình hình bất ổn chính trị ở Thái Lan và cuộc khủng hoảng nợ tại Dubai World./.