Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Thái tử" Samsung được trả tự do: Bước lùi cải cách chaebol

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc người thừa kế của tập đoàn Samsung được trả tự do xem như một bước lùi trong cam kết hạn chế bớt quyền lực của các tập đoàn gia đình (còn gọi là chaebol).

Người thừa kế của tập đoàn Samsung, ông Jay Y. Lee, đã được trả tự do sau khi tòa thượng thẩm của Hàn Quốc ngày 5/2 ra phán quyết đình chỉ án tù đối với ông trong một vụ án đưa hối lộ. Phán quyết trên được đưa ra sau khi ông Lee - Phó Chủ tịch hãng điện tử Samsung Electronics, một công ty con của tập đoàn Samsung kháng cáo bản án sơ thẩm. Tòa phúc thẩm còn giảm án một nửa cho ông Lee từ 5 năm tù xuống còn 2 năm rưỡi. Tòa án cho biết ông Lee sẽ chịu thời gian thử thách trong vòng 4 năm.
Ông Jay Y. Lee - Người thừa kế tập đoàn Samsung.

Điều này cho thấy, cam kết hạn chế bớt quyền lực của Tổng thống Moon Jae-in với các tập đoàn gia đình lớn đã thống trị nền kinh tế Hàn Quốc trong nhiều thập niên vẫn còn khó khăn. Ông Moon Jae-in đắc cử Tổng thống hồi năm ngoái sau khi cam kết chấm dứt các đặc quyền dành cho các chaebol tại Hàn Quốc. Phiên tòa hồi tháng 8 năm ngoái với người thừa kế tập đoàn Samsung đã thuyết phục người dân Hàn Quốc rằng “đế chế” chaebol sẽ được "ghìm cương". Tuy nhiên, hiện tại, việc ông Lee được trả tự do đã gửi đi một tín hiệu đầy lo ngại.
Ông Jay Y. Lee không phải là chủ tập đoàn duy nhất được hưởng lợi từ việc khoan hồng từ tòa án. Tháng 12 năm ngoái, thẩm phán đã đưa ra bản án 20 tháng tù treo với ông Shin Dong-bin - Chủ tịch Tập đoàn Lotte mặc dù các công tố viên đã đề nghị 10 năm tù giam vì bị kết tội tham nhũng. Một loạt các giám đốc điều hành khác của chaebol trong những năm qua cũng chỉ phải hưởng án tù treo. Lee Kun-hee - Chủ tịch Tập đoàn Samsung từng bị kết tội 2 lần: Một lần vì trốn thuế năm 2008 và hối lộ vào năm 1996 nhưg chỉ bị phạt tù treo 3 năm tù vì trốn thuế, sau đó được Tổng thống Lee Myung-bak bãi bỏ và một án tù treo 2 năm tù vì hối lộ.
GS Jun Sung-in (Đại học Hongik) nhận định, chính phủ vẫn còn dè dặt với kế hoạch cải tổ các tập đoàn và sẽ phải đối mặt với áp lực tăng lên từ xã hội. Thực tế, nhiều người dân Hàn Quốc tỏ ra khá thất vọng với phán quyết này. “Tôi nghĩ quốc gia của chúng ta vẫn chưa thoát khỏi thói quen duy trì mối quan hệ nồng ấm giữa kinh tế và chính trị” - Lim Ji-hyeon, một sinh viên 22 tuổi nói.
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Moon Jae-in đã chỉ định ông Kim Sang-jo, một người nổi tiếng là cứng rắn với các chaebol đứng đầu Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc. Mặc dù ông Kim đã khởi xướng các chính sách tăng cường sự kiểm soát đối với các tập đoàn lớn, chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in vẫn chưa có bất kỳ cải cách quan trọng nào thông qua cơ quan lập pháp.
Hiện tại, chính phủ dưới thời Tổng thống Moon Jae-in mới chỉ tập trung vào việc tăng lương tối thiểu và phúc lợi xã hội trong khi các biện pháp cải cách chaebol chưa thật sự đột phá.