Thẩm định dự án Vành đai 4, Cục Đường cao tốc đề xuất gì?

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đa số các đơn vị thống nhất cần thiết đầu tư dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội.

Thẩm định dự án Vành đai 4, Cục Đường cao tốc đề xuất gì? - Ảnh 1
 Đồ họa đường Vành đai 4.

Theo kết quả lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, đa số thống nhất cần thiết đầu tư dự án. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ về dự báo nhu cầu vận tải; rà soát thủ tục thỏa thuận, thống nhất các công trình trên tuyến; rà soát bố trí các nút giao trên tuyến; nhu cầu vật liệu đắp nền đường; nâng trắc dọc cầu cạn; lựa chọn các đoạn đi cao; áp dụng thu phí điện tử không dừng; rà soát các thông số của phương án tài chính như lãi vay, phương án chia sẻ phần tăng doanh thu; phương án quản lý, thanh toán phần vốn hỗ trợ nhà nước cho dự án.

Vì vậy, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội bổ sung đầy đủ các tài liệu, văn bản pháp lý, như kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; ý kiến của các địa phương về hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, đặc biệt là ý kiến về phạm vi, quy mô, hướng tuyến, khẩu độ, tĩnh không các công trình và thỏa thuận với cơ quan quản lý các tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội - Hải Phòng.

Theo Cục Đường cao tốc Việt Nam dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp, do đó việc triển khai bước nghiên cứu khả thi cần được thực hiện kỹ lưỡng, chặt chẽ và tránh việc phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện.

Cục Đường cao tốc Việt Nam cũng đề nghị, Ban Quản lý dự án lựa chọn đơn vị tư vấn, thẩm tra có đủ năng lực, kinh nghiệm để thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; chỉ đạo tư vấn thẩm tra tính toán, kiểm toán để khẳng định sự phù hợp của các giải pháp thiết kế so với tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, các quy hoạch của địa phương, bảo đảm tiết kiệm chi phí, tránh lãng phí; kiểm tra phương pháp lập tổng mức đầu tư, cơ cấu các khoản mục chi phí, tính toán đối chứng khối lượng đưa vào tổng mức đầu tư, đơn giá, định mức, các chế độ, chính sách của nhà nước.