Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thẩm định sách giáo khoa: Băn khoăn về cách làm của Bộ

Hà Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên các diễn đàn về giáo dục, nhiều giáo viên bày tỏ lo ngại việc thẩm định sách giáo khoa (SGK) khó đạt chuẩn khi quỹ thời gian không đủ, nhưng phía lãnh đạo Bộ GD&ĐT nói “có cách hay” để hóa giải lo lắng này.

 Tham khảo sách giáo khoa tại cửa hàng trên phố Lý Thường Kiệt. Ảnh: Hải Linh

Giáo viên hoang mang
Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ GD&ĐT soạn sẽ “đáo hạn” góp ý vào 30/1/2020. Có nghĩa, ít nhất từ tháng 2, các giáo viên, hội đồng thẩm định mới chính thức tham gia chọn sách. Nhiều người lo ngại quỹ thời gian không đủ để trải nghiệm, làm quen, thậm chí là “đọc cho xong 5 bộ sách”.
Ngày 10/12, thầy T.V.T. - giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đã chia sẻ những lo lắng của mình trên một diễn đàn chuyên môn có vài chục nghìn thành viên rằng, thời gian quá ngắn để thẩm thấu 5 bộ SGK do Bộ GD&ĐT công bố. “Chưa kịp tìm hiểu kỹ đã phải chọn rồi. Chọn rồi thì không được chọn lại, có vẻ căng như dây đàn”. Đồng tình với ý kiến này, nhiều thầy cô cũng bày tỏ những lo lắng tương tự.
Thông tư mới sẽ quan tâm tính kế thừa
Trao đổi về nội dung Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK sắp ban hành sẽ nhanh chóng bị thay thế bởi văn bản ngay sau đó - khi Luật Giáo dục có hiệu lực vào tháng 7/2020, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, phía Ban Soạn thảo cố gắng tư duy khi ban hành thông tư thay thế sẽ không có nhiều thay đổi, tập trung đến yếu tố kế thừa. Riêng phần thành viên và thẩm quyền lựa chọn là có chút thay đổi khi sắp tới, cơ sở giáo dục sẽ tham gia lựa chọn SGK và sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực, thẩm quyền này thuộc về UBND cấp tỉnh.
Thậm chí, một số giáo viên tự thừa nhận bản thân đang “lơ tơ mơ” trong câu chuyện thẩm định, lựa chọn SGK và lo ngại phụ huynh mua sách sớm, không đúng chương trình sẽ gây lãng phí lớn.
Tại các trường học Hà Nội, nhiều thầy cô cũng mong muốn sớm được tổ chức tập huấn về công tác lựa chọn SGK. “Đến thời điểm này, giáo viên vẫn chưa có sách trong tay, trong khi vài tháng tới đã chốt SGK. Nếu không được nghiên cứu, lựa chọn kỹ nhằm tìm được bộ sách phù hợp, thì giáo viên và học sinh sẽ cùng vất vả, công tác dạy học không đạt được hiệu quả như mong muốn” - cô Nguyễn Phương Lan - giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng bày tỏ.
Lãnh đạo ngành trấn an
Cũng trong ngày 10/12, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho hay, quan trọng là phương pháp tiếp cận.
Ông Thành phân tích: “Khi thành lập hội đồng thẩm định, giáo viên chỉ phải tiếp cận 5, 6 cuốn mỗi môn. Các thành viên hội đồng không phải tiếp cận lần lượt từ đầu tới cuối cuốn sách, mà chỉ xem xét đến cấu trúc, tính khái quát của từng cuốn, tính phù hợp với từng địa phương của từng bộ sách. Qua đó, tiến hành lựa chọn bộ sách theo hướng dẫn”.
Ông Thành so sánh tiếp: “Đơn cử trong một bài giảng, có các chữ, các hình. Giáo viên căn cứ vào chữ, vào hình đó, sẽ hình dung ra lối tư duy, lối phát triển năng lực theo hệ thống, cách tiếp cận vấn đề và giải quyết vấn đề của cuốn sách mang lại. Qua đó, sẽ nắm bắt được mạch xuyên suốt cuốn sách và sẽ có quyết định lựa chọn cuốn sách nào”.
Cũng theo chia sẻ từ ông Nguyễn Xuân Thành, giáo viên không nhất thiết phải đọc lần lượt đủ cả 5 bộ sách: “Chỉ cần đặt 5 cuốn sách cho cùng một bài giảng gần nhau, từ đó, các thành viên hội đồng thẩm định sẽ làm phép so sánh 5 cuốn sách này. Sau khi phân tích, tổng hợp, hội đồng sẽ đưa ra được sự chọn lựa cho mình khi nhận thấy cuốn sách nào đó nổi bật, dễ tiếp cận, phù hợp với địa phương hơn”.
Trao đổi về quỹ thời gian, với nhiều lo ngại từ phía giáo viên khi cho rằng không đủ để trải nghiệm, thẩm thấu các cuốn SGK mới, ông Thành cho rằng: “Trước khi các bộ sách đến với giáo viên, tác giả đã tổ chức dạy thử. Còn với các thầy, cô, nếu có thời gian dạy thử được thì tốt, không thì cũng không nhất thiết. Bởi lẽ, các SGK mới đã thay đổi căn bản phương pháp tiếp cận, hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên trong việc cảm nhận cuốn sách cũng như bài giảng, họ sẽ nhanh chóng nhận ra thông điệp của cuốn sách để truyền tải đến học trò của mình”.