Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thẩm định sách giáo khoa lớp 1: Cần tiếp cận hiện đại

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Theo Điều 32 Luật Giáo dục quy định, sách giáo khoa (SGK) phải cụ thể hóa Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT).

Theo đó, trong đổi mới căn bản phương pháp dạy học hướng tới việc chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận hình thành, phát triển năng lực học sinh (HS).
Hiện tại, Bộ GD&ĐT đang tiến hành thẩm định 5 bộ SGK lớp 1 của 3 nhà xuất bản (NXB) gồm NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học TP Hồ Chí Minh để bảo đảm áp dụng từ năm học 2020 - 2021.
 Sách giáo khoa phải cụ thể hóa Chương trình Giáo dục phổ thông (Ảnh: TTXVN)
Tiêu chí “không đóng khung”
Dự kiến trong tháng 10 này, các bộ SGK được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký phê duyệt cho phép sử dụng trong Chương trình GDPT mới sẽ được công bố rộng rãi.
Chủ tịch HĐQG thẩm định SGK môn Đạo đức Đào Đức Doãn cho biết, các tiêu chí, bộ chỉ báo đánh giá SGK hoàn toàn “không đóng khung” và rất cởi mở với sự sáng tạo trong các bộ sách. Việc có những điều kiện khung mà SGK phải tuân theo là cần thiết, nhằm đảm bảo các bộ sách có sự thống nhất chung về yêu cầu và định hướng, đúng với chương trình môn học.
Theo PGS Doãn, 6 bộ sách được thẩm định đều có nét độc đáo riêng. HĐQG quan tâm đến tính phù hợp của các bộ sách đối với thực tế giảng dạy và đối tượng người học ở các vùng miền, từ đó đưa ra những đánh giá, góp ý chính xác, phù hợp.
Việc sáng tạo nên những cuốn SGK chất lượng và được sử dụng hiệu quả là con đường đáng tin cậy nhất để đảm bảo chất lượng giáo dục ở các nhà trường phổ thông. Điều này không làm thay đổi tiêu chí thẩm định SGK, cũng không khiến cách nhìn nhận, đánh giá của các thành viên trong HĐQG bị giới hạn.
Chủ tịch HĐQG thẩm định SGK môn tiếng Anh Phạm Thị Hồng Nhung khẳng định, các tiêu chí và đánh giá của HĐQG đều tôn trọng sự sáng tạo của tác giả về phương pháp dạy học, tương thích với nội dung Chương trình GDPT mới, chương trình môn học và hỗ trợ học sinh (HS) phát triển các năng lực, phẩm chất đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình.
“Những nội dung đã công bố trong chương trình thì chắc chắn là phần cốt lõi mà bất cứ bộ SGK nào cũng phải tuân theo. Nếu nội dung không phù hợp, HĐQG thẩm đinh sẽ đề nghị tác giả chỉnh sửa” - bà Nhung cho hay.
Một số chuyên gia cho rằng, SGK trong nhà trường chứa đựng một khối lượng thông tin khoa học, một kịch bản định hướng tổ chức các hoạt động dạy học. Những bộ SGK khi được dùng để dạy và học trong Chương trình GDPT mới phải đáp ứng đủ 13 tiêu chí đã đề ra.
Đặc trưng quan trọng và nổi trội nhất của SGK hiện đại là chú trọng phát triển năng lực và lấy HS làm trung tâm. Theo nhóm nghiên cứu NXB Giáo dục Việt Nam (GS.TS Vũ Văn Hùng, PGS.TS Trần Đức Tuấn, PGS.TS Phan Doãn Thoại), những cuốn SGK được thiết kế và biên soạn với quan điểm giáo dục hiện đại, công nghệ tiên tiến là một trong những yếu tố quyết định nhất đến chất lượng giáo dục của một quốc gia.
“SGK là một trong những công cụ chủ đạo để chuẩn hoá trình độ học tập của HS và qua đó góp phần nâng cao chất lượng học tập và chất lượng dạy học ở các nhà trường phổ thông” - nhóm nghiên cứu bày tỏ.
Nhiều hạn chế
Việc thành lập HĐQG thẩm định SGK, Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới Chương trình SGK GDPT đã đưa ra và được quy định trong Điều 32 của Luật Giáo dục năm 2019. Với SGK lớp 1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu quan tâm tới yếu tố vùng miền trong lựa chọn giáo viên tham gia thẩm định SGK.
Vì vậy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT Thái Văn Tài cho biết, khi thiết kế HĐQG thẩm định đã có đại diện nhiều vùng miền khác nhau. Những thành viên tham gia vào HĐQG thẩm định được tập huấn để tìm hiểu về chương trình với các bước làm việc khách quan, minh bạch, thể hiện sự dân chủ giữa HĐQG thẩm định và tác giả.
Bộ SGK chất lượng là “chìa khóa” để thực hiện thành công Chương trình GDPT mới. Với giáo viên, SGK định hướng phân tích, lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức, phương tiện tổ chức dạy học. Còn với HS, SGK là nguồn kiến thức chính để tra cứu, gia công trí tuệ dưới sự tổ chức của giáo viên, qua đó chiếm lĩnh tri thức khoa học.
Về vấn đề này, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội Đinh Quang Báo cho rằng, những lần đổi mới giáo dục này của Việt Nam cần cố gắng triển khai như là một tiếp cận hiện đại trong biên soạn chương trình và SGK, trong đổi mới căn bản phương pháp dạy học hướng tới việc chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận hình thành, phát triển năng lực học sinh.
Nhược điểm lớn nhất của SGK truyền thống là tập trung vào chức năng cung cấp thông tin, kiến thức một môn học. Và khi quán triệt một cách máy móc SGK là pháp lệnh đã biến hoạt động dạy hướng vào truyền đạt cái có sẵn, hoạt động học tập trung vào ghi nhớ, rập khuôn SGK.
Theo GS Đinh Quang Báo, Việt Nam không có viện hay trung tâm nghiên cứu biên soạn SGK như ở một số nước nên không có đội ngũ các nhà sư phạm chuyên sâu về SGK, hoạt động chuyên nghiệp biên soạn SGK. Phần lớn các tác giả tự rút kinh nghiệm, tham gia nhiều đợt soạn SGK nên ít nhiều cũng có kinh nghiệm, nhưng chưa bài bản, còn hạn chế vì tri thức giáo dục học. Đó là một khó khăn, nếu có biện pháp tổ chức nhân sự, trao đổi quán triệt những lý luận cơ bản về SGK, và đặc biệt có chế độ đãi ngộ xứng đáng về vật chất và tinh thần thì sẽ khắc phục được các khiếm khuyết đó.