Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tham gia chuỗi liên kết nuôi thủy sản: Nông dân yên tâm sản xuất

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ tham gia vào mô hình liên kết nuôi thủy sản từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm do Chi cục Thủy sản Hà Nội thí điểm triển khai, các hộ nông dân đã vơi nỗi lo dịch bệnh trên cá, từng bước nâng cao thu nhập, yên tâm đầu tư sản xuất.

 Ảnh: Bình Minh
Vơi nỗi lo dịch bệnh
Gia đình anh Nguyễn Đức Thuật, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa nuôi trồng thủy sản hơn 10 năm nay. Tuy có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc thủy sản nhưng nhiều năm gia đình anh vẫn phải chịu thua lỗ do bị ô nhiễm môi trường ao nuôi, cá bị dịch bệnh. Nguyên nhân chính là do anh chưa quan tâm tới việc phòng bệnh cho cá, chỉ khi thấy cá có dấu hiệu mắc bệnh mới lo chữa trị. Cách làm này không mang lại hiệu quả bởi vấn đề phòng bệnh cho thủy sản không giống như gia súc, gia cầm trên cạn. Mỗi khi thủy sản trong ao bị bệnh, không thể chữa từng con mà phải chữa theo đàn. Thuốc dùng phải tính cho tổng số lượng cá trong ao nên tốn kém nhiều. Ngoài ra, các loại thuốc chữa bệnh bên trong cơ thể thủy sản thường phải trộn vào thức ăn, tuy nhiên chỉ có tác dụng đối với những con khỏe mạnh, còn những con đã bị bệnh thì ít tác dụng vì chúng không bắt mồi.

Lo lắng này đã được giải quyết khi anh Thuật tham gia vào chuỗi liên kết từ nuôi trồng đến tiêu thụ do Chi cục Thủy sản Hà Nội thí điểm triển khai từ tháng 5/2018, với tổng diện tích là 1ha. Tham gia vào mô hình, anh được hỗ trợ một phần về thức ăn, thuốc thú y và được tư vấn kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trị bệnh kịp thời, chế độ ăn cho cá. Nếu như trước đây chỉ lo chạy chữa khi cá mắc bệnh, thì nay anh chuyển sang phòng bệnh là chính. Thay vì nuôi nhiều loại cá trong ao, hiện nay anh thả chủ yếu là cá chép, ngoài ra anh thả thêm cá trắm cỏ và cá mè để nâng cao hiệu quả sử dụng mặt nước và thức ăn. “Nhờ cách làm khoa học nên cá lớn nhanh, không xảy ra dịch bệnh, chúng tôi cũng yên tâm đầu tư sản xuất” - anh Thuật chia sẻ.

Nâng cao năng suất

Sau gần 8 tháng nuôi trồng, thời điểm này, cá trong mô hình liên kết của anh Thuật có trọng lượng khoảng 1kg. Dự kiến cuối tháng 12 sẽ thu hoạch, trọng lượng trung bình khoảng 1,2kg/con. Tổng sản lượng ước đạt 16 tấn các loại. “Cá chép có ưu điểm là ít bị bệnh, tốc độ tăng trưởng, chống chịu bệnh tốt và có khả năng thích nghi với điều kiện nuôi tại vùng nuôi khu vực huyện Ứng Hòa. Cá có chất lượng thịt thơm ngon. Với giá bán trung bình 48.000 - 50.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi khoảng 150 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cách làm truyền thống” - anh Thuật cho hay.

Việc triển khai nuôi thủy sản theo chuỗi từng bước làm thay đổi cơ bản từ nhận thức đến hành động của người nông dân, từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu của thị trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm đảm bảo VSATTP. Ngoài ra, sản phẩm trong chuỗi còn được nâng cao giá trị nhờ kiểm soát tốt chất lượng cá trong quá trình nuôi, có nguồn gốc rõ ràng. Tham gia vào mô hình, các hộ dân còn được kết nối với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, đã giải quyết được phần nào nỗi lo “được mùa mất giá" như trước đây, từng bước hình thành chuỗi liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm hiệu quả bền vững giữa nông dân và DN.