Nguy cơ thua trên sân nhà
CPTPP sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10,1 nghìn tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới. Dư địa lớn, song cũng có nhiều tác động đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa (DNNVV).
Trong đó, công cụ lớn nhất mà CPTPP sử dụng để thúc đẩy trao đổi hàng hóa là những ưu đãi dỡ bỏ hoặc cắt giảm các hàng rào thuế quan được cam kết. Trước thực tế này, Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội (Hanoisme) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ DNNVV TP Hà Nội (Sở KH&ĐT) đã tổ chức Diễn đàn DN Hà Nội lần thứ 2 với chủ đề: “Tác động của chính sách thuế đến DN khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP”. Báo Kinh tế & Đô thị là đơn vị Bảo trợ truyền thông.Bàn về vấn đề này, chuyên gia thuế Nguyễn Văn Thức – Phó Chủ nhiệm Hội đồng giảng viên Tập đoàn Kinh tế Hà Nội cho biết, cắt giảm thuế quan theo lộ trình, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hợp tác đầu tư và tự do di chuyển vốn đầu tư… là những vấn đề chính của CPTPP.
Điều đó đang tạo ra cơ hội và thách thức đan xen cho DN. Nhất là khi thuế suất về 0%, các DN trong nước còn có nguy cơ thua ngay trên sân nhà do hàng hóa nước ngoài nhập vào với chất lượng tốt và giá rẻ. Do đó, muốn chiếm lĩnh thị trường, DN phải đáp ứng yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, VSATTP, quy chuẩn kỹ thuật... Hay các DN cần phải có chiến lược phù hợp tùy theo lĩnh vực kinh doanh.Chủ động tiếp cận thị trườngHiện Việt Nam có hơn 600.000 DN, nhưng có đến 98% là DNNVV. Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách và giải pháp hỗ trợ DN như cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thuế, lãi suất… tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, khi tham gia vào sân chơi mới này, các DNNVV còn bộc lộ hạn chế về quy mô, vốn, năng lực quản trị, trình độ KHCN... Bởi vậy, giải pháp liên kết các DN tạo thành chuỗi giá trị sẽ nâng cao sức cạnh tranh, nhất là khi dòng thế về 0%.
Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Nông sản Việt Nam Trần Thị Thu Hằng dẫn chứng, các sản phẩm rau củ quả mà DN đang thu mua trên địa bàn Ninh Bình có chất lượng rất tốt, sản lượng tiêu thụ và giá thành tương đối ổn định. Song, do một số hộ còn sản xuất manh mún nên công tác thu mua, tính liên kết với DN còn hạn chế. Vừa qua, xuất hiện nhiều nông sản do không thu mua đã bị bỏ ngoài ruộng rất lãng phí. Nguyên do, các hộ nông dân chưa liên kết chặt chẽ với DN, tránh các khâu trung gian, từ đó có giá cả hợp lý và tiêu thụ ổn định.Để các DN có thể tham gia chuỗi liên kết, bà Hằng mong muốn có những chính sách hỗ trợ, cung cấp nhiều thông tin thị trường để DN tiếp cận và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước. Trong đó, các thể chế, luật thuế cụ thể sẽ tạo điều kiện để DN Việt phát triển sản xuất, kinh doanh, chứ không phải thay đổi liên tục.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh, DN khi vào thị trường phải tìm hiểu kỹ thuế quan, ưu đãi… nếu thấy ngành nào hưởng nhiều nhất thì tập trung sản xuất ngành đó. Bên cạnh đó, phải biết liên kết và thương mại hóa dòng sản phẩm khi định vào một thị trường nào đó. “Hiệp hội sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức diễn đàn, mời chuyên gia, cơ quan Nhà nước phổ biến các kiến thức về ưu đãi thuế, hiệp định cho DN. Các DN cũng cần chủ động tiếp cận thông tin về thị trường để phù hợp với Hiệp định đã ký kết” – ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Các DN Việt Nam cần hiểu rõ những ưu đãi thuế quan trọng trong CPTPP để có thể cạnh tranh khi tham gia hiệp định. Nhà nước cần ban hành nhiều chính sách phù hợp, liên kết các hiệp hội DNNVV địa phương tổ chức các hội thảo, tuyên truyền các điều mới của hiệp định. Đặc biệt, tạo ra công cụ bảo đảm rằng, các quy chuẩn kỹ thuật của một quốc gia không tạo ra rào cản đối với tự do hóa thương mại giữa các quốc gia. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh |