Theo số liệu ước tính, số người thiệt mạng trong sự cố vỡ đập Machhu-2 là 1.800 - 25.000 người. Vụ vỡ đập Machhu-2 trở thành vụ vỡ đập tồi tệ nhất trong kỷ lục Guinness.
Con đập có mục đích chính là phục vụ cho việc tưới tiêu. Vào ngày 11/8/979, đập dài bốn cây số Machhu-2 trên sông Machhu ở Gujarat bị sụp đổ dẫn đến thành phố công nghiệp Morbi nằm cách hạ lưu 5 km và các vùng nông thôn xung quanh đã phá hủy hàng ngàn ngôi nhà và cuộc sống của người dân ở đó.
Sự cố vỡ đập là do mưa lớn liên tiếp 10 ngày và lũ lụt lớn đẫn đến vượt quá công suất của đập. Dòng chảy sau lượng mưa lớn đạt 16307 m3/giây, gấp 3 lần công suất được thiết kế đã khiến con đập bị vỡ. Trong vòng 20 phút, lũ lụt từ 3,7 - 9,1 m chiều cao đã làm ngập các khu vực thấp của thị trấn công nghiệp Morbi.
Đập Machchu-2, nằm trên sông Machhu, bị sập khiến một “bức tường nước” đổ sập xuống thị trấn Morbi (nay thuộc quận Morbi của bang Gujarat).
Vụ vỡ đập diễn ra vào buổi sáng. Đến giờ ăn trưa, cả thị trấn chìm trong hoảng loạn, nước chảy qua những ngôi làng thấp và phía trái của thành phố, với một tốc độ và lượng nước lớn khủng khiếp. Ông Rathibhai Desai, một người dân kể lại, ông nhìn thấy dòng nước dâng lên nhanh chóng từ đầu gối đến eo của mình. Những tiếng hét lo sợ xung quanh bủa vây khi ông trèo xuống khỏi mái nhà và cố gắng cứu sống một cậu bé 6 tuổi đang bị nước lũ cuốn đi. Nhưng những nỗ lực của ông đã trở nên vô vọng. Khi đưa được cậu bé lên mái nhà, toàn thân đứa trẻ 6 tuổi đã tím ngắt và lạnh như đá.
Đó chưa phải điều tồi tệ nhất. Đứa con trai 17 tuổi của ông, Sanjay, đã đi ra ngoài để giúp đỡ lực lượng vận động sơ tán đã không trở về nhà. Sanjay chỉ là một trong số hàng trăm người bị cuốn trôi trong thảm họa vỡ đập thủy điện.
Nhưng thiệt hại về người chưa phải là tất cả. Không chỉ gây thiệt hại về người, vụ vỡ đập Machchhu-2 còn làm hư hại đất nông nghiệp, dẫn đến giảm năng suất cây trồng trong thời gian dài sau đó. Khoảng 3.000 vật nuôi cũng thiệt mạng.
Về mặt kinh tế, lũ do vỡ đập thủy điện gây ra sẽ phá hủy toàn bộ đường, cầu, trang trại, nhà cửa và các phương tiện giao thông, gián đoạn việc cung cấp nước và điện, gây ra chi phí nặng nề cho người dân và chính phủ.
Về môi trường, lũ lụt khiến nguồn nước bị ô nhiễm, gây ra nhiều nguy cơ bệnh dịch và nhiễm trùng bao gồm sốt rét, bệnh dịch hạch, bệnh da liễu…
Hơn một tuần sau khi lũ lụt tàn phá, Morbi hoàn toàn trở thành một thị trấn “ma”. Những mảnh vụn chất cao thành đống rải rác trên những con đường dẫn vào thị trấn, các cửa hàng bị vỡ tung, những cột điện bị gãy đổ, nhiều người thiệt mạng vẫn nằm dưới những đống đổ nát.
Xác động vật được tiêu hủy trong những đống lửa đang bốc cháy nhằm đề phòng dịch bệnh. Nhiều bức ảnh sau đó được công bố cho thấy, xác động vật bị lũ hất văng lên những cành cây cao.
8 ngày sau trận lũ lụt thảm họa, thành phố vẫn bị nhấn chìm trong những đống đổ nát, thiệt hại ước tính gây ra bởi sự tàn phá là khoảng 1,5 triệu USD.
Ngoài ra, sẽ phải mất đến nhiều năm để các cộng đồng bị ảnh hưởng tái thiết lại cuộc sống và làm việc trở lại bình thường.
Vụ vỡ đập Machchhu-2 từng được liệt kê là vụ vỡ đập tồi tệ nhất trong Sách kỷ lục Guinness. Nhưng vụ vỡ đập Bản Kiều xảy ra ở Trung Quốc năm 1975 đã thay thế vị trí này sau khi số thương vong của nó được cập nhật năm 2005.
Sau thảm họa, bờ đập tràn đồ sộ vẫn đứng vững nhưng đất ở hai bên bị đổ sập. Mực nước sông Machchu đã được giảm xuống một chút. Ở hai bên bờ, một lớp bùn dày phủ kín đến mắt cá chân.
Cách đó một vài cây số, là cảnh tượng hoang tàn của làng Leelapur, ngôi làng đã bị san phẳng thành bình địa. Những cư dân nghèo khổ của len lỏi trong những mảnh vỡ của ngôi nhà bị phá hủy để tìm kiếm chút tài sản còn sót lại.
Từ đó đến nay, thảm họa đã biến Morbi trở thành ngôi làng “chết” vẫn được nhắc tới như một cảnh báo nhằm chặn các thảm họa khác xảy ra.