Thế nên, dân làng đã dựng cầu, quán ở giữa đồng, trồng cây bóng mát để làm chỗ che mưa, che nắng, nghỉ chân mỗi buổi đi làm. Ngày nay, nhiều nơi vẫn gìn giữ được những cầu, quán ấy như giữ một mảnh hồn quê rất đỗi quen thuộc và thân thương.
Nằm giữa cánh đồng lúa xanh tươi, cầu Cửa Chiền, thôn 1, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất nổi bật từ xa bởi cây quéo to cao xòe bóng mát. Cầu được xây dựng trên một gò đất rộng chừng vài chục mét vuông. Kiến trúc của cầu khá đơn giản, kết cấu giống hệt một ngôi nhà ngói, song chỉ xây kín hai hồi, còn lại mặt trước và mặt sau đều trống để đón gió mát. Cầu gồm 3 gian, xây bằng tường đá ong cũ kỹ, 4 cột chống xây bằng loại gạch chỉ làm thủ công ngày xưa, nay đã phủ rêu xanh cổ kính. Nền nhà cũng được lát gạch chỉ nhưng một số chỗ đã bị vỡ do quá lâu năm. Đáng chú ý là 4 thanh xà ngang bằng gỗ khá chắc chắn cũng được chạm trổ, chăm chút cầu kỳ như bất cứ một ngôi nhà ở nào.
Bà Phí Thị Hiển, 58 tuổi, làm ruộng ở gần cầu Cửa Chiền chia sẻ, không biết cầu có tự bao giờ, chỉ nghe các cụ trong làng nói cả cầu và cây quéo đã có tuổi đời hàng trăm năm. “Từ nhỏ tôi đã theo chúng bạn đi chăn trâu và chui vào cầu để chơi đùa. Đến nay, mỗi lúc làm đồng mệt, tôi lại lên cầu nghỉ ngơi, hóng mát” – bà Hiển tâm sự.
Cũng là nơi dừng chân, nghỉ ngơi của dân làng nhưng quán Nghinh Hương, xã Hương Ngải được xếp vào hạng quán độc nhất vô nhị ở miền Bắc vì kiến trúc vô cùng độc đáo. Theo ông Nguyễn Hữu Tùng, 77 tuổi, người trông coi quán đã 7 năm nay, quán Nghinh Hương được xây dựng ở đầu làng, đón gió mát từ núi Thầy (Quốc Oai) về phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, dừng chân của bà con nông dân sau những buổi đi làm đồng mệt mọc trở về nhà. Quán có kiến trúc độc nhất vô nhị bởi được xây dựng theo lối “nhất biến tam, tam biến cửu”, tức là trông từ bên ngoài cứ ngỡ là một gian, song nhờ lối dựng cột kèo khéo léo của người thợ làng mộc Hương Ngải tài hoa, từ một gian ấy lại chia thành 3 gian nho nhỏ. Và từ 3 gian nhỏ lại chia thành 9 gian nhỏ hơn.
Toàn bộ quán là một tổng thể kiến trúc hài hòa với nhiều loại vật liệu gạch, đá, gỗ. Quán có 16 cột gỗ chạy thành 4 hàng ngang, 4 hàng dọc khá vuông vức. Ngoài ra còn có 4 cột đá loại to được bố trí ở 4 góc, 4 phía mái quán uốn cong vút với những hình hoa văn đắp nổi khá đẹp mắt. Không ai biết quán được dựng tự bao giờ, chỉ biết trên xà ngang còn khắc hai dòng chữ Hán đánh dấu thời điểm hai lần tu tạo lại: Lần thứ nhất vào năm 1903 thời vua Thành Thái và lần thứ hai vào năm 1974. Theo ông Tùng, ngoài nét đặc sắc trong kiến trúc, quán Nghinh Hương còn độc đáo ở chỗ đây là nơi đưa đón sỹ tử đi thi, tổ chức lễ vinh quy bái tổ về làng cho những người đỗ đạt. Theo tục cũ, người đỗ đạt, trước khi vào làng phải dừng lại ở cống Cổ Ngựa, buộc ngựa, rửa chân sau đó vào quán Nghinh Hương lễ bái mới được vào làng. Cái tên Nghinh Hương cũng xuất phát ý nghĩa đó.
Ngày nay, quán Nghinh Hương chủ yếu được sử dụng vào mục đích tâm linh. Đây là nơi thờ Thành Hoàng làng và cứ 3 – 5 năm một lần tùy theo thời vụ được mùa hay không, dân làng lại tổ chức lễ rước kiệu, giá văn long trọng từ làng ra quán. Không chỉ thế, xung quanh quán còn trồng 7 cây to theo sơ đồ chòm sao Bắc Đẩu thất tinh với hàm ý đề cao sự nghiệp học hành, làm rạng danh quê hương. Chả thế mà người Hương Ngải thường bảo nhau:
“Hương Ngải có quán 7 cây
Có gò Nhất Tự đời đời mở mang
Muốn con học rộng quan sang
Thì năng bồi đắp bờ ngang cho đầy”…
Hình ảnh thân thuộc của cầu Cửa Chiền.
|
Kiến trúc độc đáo của quán Nghinh Hương.
|