Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Thần tốc” triển khai các dự án giao thông trọng điểm

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022 đã chính thức khép lại. Với ngành giao thông vận tải (GTVT), đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm là nhiệm vụ cần triển khai ngay từ đầu năm để kịp hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện nhiều chuyến đi xuyên Việt, xuyên Tết để kiểm tra tiến độ các dự án giao thông trọng điểm (Ảnh: Việt Hùng).
Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện nhiều chuyến đi xuyên Việt, xuyên Tết để kiểm tra tiến độ các dự án giao thông trọng điểm (Ảnh: Việt Hùng).

Tăng tốc thi công, đảm bảo chất lượng công trình

Những công trình giao thông trọng điểm quốc gia đã, đang và sẽ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Điều này có thể thấy rõ từ những chuyến khảo sát xuyên Việt và xuyên Tết do đích thân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thực hiện trong những ngày đầu năm mới.

Một trong những điều Thủ tướng quan tâm nhất trong những chuyến khảo sát trên chính là làm sao để các công trình giao thông mang tính huyết mạch phải được hoàn thành đúng tiến độ, tạo cú hích cho đà phát triển kinh tế đất nước. Tại tất cả dự án đến kiểm tra, Thủ tướng đều tìm hiểu rất kĩ về thực trạng, tiến độ triển khai, những vướng mắc đang tồn tại để tìm giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, Thủ tướng cũng đưa ra những nhận xét, phê bình thẳng thắn ngay tại công trình.

Tại dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Thủ tướng chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục như trong số 11 dự án thành phần, chỉ có tuyến Cao Bồ - Mai Sơn được hoàn thành; các dự án PPP có đơn giá bình quân 150 tỉ đồng/km, nhưng dự án đầu tư công bình quân là 200 tỉ đồng; các mỏ vật liệu xây dựng bị nâng giá, gây cạnh tranh, tiềm ẩn nguy cơ... Trong đó, vấn đề giá vật liệu cao được Thủ tướng đặc biệt quan tâm.

“Quy trình, thủ tục đúng, làm đúng nhưng giá vật liệu cao, không hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và Nhân dân thì phải điều chỉnh. Các cơ quan phải nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền đưa ra biện pháp phù hợp với tình hình" – Thủ tướng nói và yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường trách nhiệm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, của Nhân dân. Tiến độ chung của các dự án phải đẩy nhanh hơn ít nhất một quý, tăng phối hợp thi công "3 ca 4 kíp", thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy định, bám sát tiến độ.

Tại dự án Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành, Thủ tướng thẳng thắn đánh giá công tác xây dựng dự án chưa xứng tầm với công trình trọng điểm quốc gia. Thủ tướng cũng bày tỏ rất không hài lòng và phê bình cách làm việc của một số cơ quan, đơn vị liên quan.

Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) phải bám sát địa phương, gần với người dân hơn nữ; các đơn vị tham gia dự án cũng phải thay đổi tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận vấn đề, làm việc nào dứt việc đấy; tăng cường tính kỷ luật kỷ cương, đặc biệt chống thông thầu, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm...

Máy móc thực hiện thi công san lấp mặt bằng tại dự án sân bay Long Thành (Ảnh: Vĩnh Phú).
Máy móc thực hiện thi công san lấp mặt bằng tại dự án sân bay Long Thành (Ảnh: Vĩnh Phú).

Giải quyết dứt điểm bài toán khan hiếm vật liệu

Về phía Bộ GTVT, ngay từ những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký công điện yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022. Điều này cho thấy sự sát sao trong công việc của lãnh đạo trong bối cảnh năm 2022 được dự báo tiếp tục là năm rất bận rộn của ngành GTVT.

Với dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, hiện nay, công tác thi công tại 10 dự án thành phần của giai đoạn 1 (2017 – 2021) đang được Bộ GTVT bám sát và chỉ đạo sát (riêng dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành). Bộ GTVT cũng đang gấp rút hoàn thiện những công việc cuối cùng của giai đoạn 2 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông (2021 – 2025) nhằm khởi công trong thời gian sớm nhất.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sau một thời gian triển khai giai đoạn 1 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Bộ cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, nhất là công tác lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực và hình thức thưởng - phạt hợp đồng công bằng với tất cả nhà thầu.

Một trong những vướng mắc dai dẳng nhất tại “siêu dự án” này trong thời gian qua là khan hiếm vật liệu cũng đang dần được giải quyết khi các địa phương rất tích cực vào cuộc giải phóng mặt bằng, nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng giao mỏ vật liệu cho nhà đầu tư, nhà thầu khai thác. Với những tín hiệu đáng mừng trên, Bộ GTVT tự tin tới cuối nhiệm kỳ sẽ hoàn thành mục tiêu thực hiện được 3.000km đường cao tốc.

Đối với dự án CHK quốc tế Long Thành, dù trước đó tiến độ triển khai có chậm so với kế hoạch đề ra do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cũng như công tác GPMB còn nhiều vướng mắc, tuy nhiên, hiện nay, công tác thiết kế, thi công của phần mặt bằng đã xong; đã lựa chọn xong nhà thầu thi công san nền và khởi công hạng mục này trong tháng 2/2022.

Phía ACV đang triển khai đồng loạt công tác lựa chọn các nhà thầu tư vấn, phối hợp hoàn thành thiết kế kỹ thuật những hạng mục chính mang tính chất tiền đề của dự án như san nền và thoát nước; móng cọc nhà ga vượt tiến độ. Lãnh đạo ACV cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Đồng Nai và cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các dự án thành phần theo đúng quy định.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, nếu không có gì thay đổi, trong tháng 3/2022 sẽ tiến hành đồng loạt các gói thầu san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng, đảm bảo tới tháng 12/2025 cơ bản hoàn thành được giai đoạn 1 để khai thác được sân bay. “Chúng tôi cam kết cùng các bộ, ngành đưa sân bay Long Thành giai đoạn 1 vận hành vào cuối năm 2025” – ông Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Đối với các dự án đường cao tốc, công tác GPMB là vô cùng quan trọng (Ảnh: Hòa Thắng).
Đối với các dự án đường cao tốc, công tác GPMB là vô cùng quan trọng (Ảnh: Hòa Thắng).

Vai trò tối quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng 

PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho rằng, một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ triển khai những dự án giao thông chính là công tác GPMB, đặc biệt là với các dự án đường cao tốc. Do đó để đảm bảo tiến độ dự án, công tác GPMB phải được quan tâm hàng đầu. “Qua theo dõi nhiều năm, tôi thấy GPMB vẫn là thách thức lớn nhất về tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư dự án” – PGS.TS Trần Chủng nói.

Lãnh đạo VARSI phân tích thêm, riêng với đường cao tốc, đây là công trình đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất phức tạp và không thể thi công đứt đoạn. Do đó, các dự án đường cao tốc luôn cần có mặt bằng sạch lên tới hàng chục cây số và trải dài liên tục. Chỉ cần xuất hiện một vài điểm “xôi đỗ” trên hệ thống mặt bằng đó thì đã khiến cho kỹ thuật thi công không được đảm bảo rồi.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Chủng cũng lưu ý, chính sách GPMB bồi thường tái định cư cũng phải thống nhất ở tất cả địa phương có đường cao tốc đi qua. Nếu để cho mỗi địa phương làm theo mỗi cách khách nhau, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ GMB chung cho cả dự án. “Hai nhà gần nhau nhưng giáp ranh hai tỉnh được nhận mức đền bù khác nhau đã thành chuyện vô cùng phức tạp” – PGS.TS Trần Chủng lấy ví dụ.