Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thận trọng trước những thách thức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2016 được nhận định là hoàn toàn khả thi, nhưng thách thức đặt ra cũng không nhỏ.

Tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu năm 2016 cao hơn năm 2015 là sự cần thiết và có tính khả thi. Cần thiết vì tăng trưởng cao lên là điều kiện để thực hiện các mục tiêu về kiểm soát lạm phát theo mục tiêu (dưới 5%); đảm bảo cán cân thanh toán có số dư; tỷ lệ thất nghiệp thấp. Tăng trưởng cao lên để tránh tụt hậu xa hơn; tránh nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình; xây dựng nền tảng đưa Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thực hiện mục tiêu mà Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã nêu…
Thận trọng trước những thách thức - Ảnh 1
Tính khả thi của mục tiêu này thể hiện ở việc đà cao lên qua các quý, qua các năm (từ năm 2012 - 2015) tạo xu hướng cho thời gian tới. Mặt khác, quý III/2015 tăng trưởng đã vượt lên trên mốc 6,8%, quý IV đã vượt qua mốc 7%. Ở đầu vào, tuy tỷ lệ vốn đầu tư/GDP theo mục tiêu năm 2015 thấp hơn năm trước (31% so với 32,6%) nhưng nếu nâng cao hiệu quả đầu tư (giảm hệ số ICOR) sẽ giúp nâng cao hiệu quả chuyển dịch cơ cấu theo thành phần kinh tế. Cụ thể, tăng tỷ trọng của vốn đầu tư ngoài Nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước (trên cơ sở đổi mới quy hoạch, giảm thiểu lãng phí, thất thoát trong đầu tư công). Ở đầu ra, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư tăng trên cơ sở điều chỉnh lương; thị trường bất động sản ấm nóng… sẽ góp phần giảm nợ xấu, hạ lãi suất, tăng tiêu thụ, giảm tồn kho, giảm số DN ngừng hoạt động… Xuất khẩu theo mục tiêu năm 2016 tăng cao hơn năm trước (10% so với 8,1%), nếu các DN tận dụng được các cơ hội do việc thực hiện các cam kết mở cửa hội nhập sâu, rộng hơn, với tầm cao mới. 

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, tăng trưởng kinh tế năm 2016 cũng đứng trước những thách thức không nhỏ. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP, yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tăng trưởng, năm nay thấp hơn năm trước. Vì thế nếu không nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng trưởng GDP sẽ không cao hơn. Nhập siêu/xuất khẩu theo mục tiêu cao hơn năm trước (5% so với 2%); về mức tuyệt đối lên tới trên 8 tỷ USD so với gần 3,2 tỷ USD. Thống kê kinh nghiệm cũng cảnh báo, mỗi lần mở cửa sâu rộng hơn thì nhập siêu đều cao hơn (đầu những năm 1990, khi bình thường hóa với Trung Quốc, hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường trong nước; năm 1992, sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, nhập siêu liên tục tăng; sau khi gia nhập WTO, nhập siêu (tính bằng tỷ USD) liên tục ở mức 2 chữ số, đạt đỉnh điểm trên 18 tỷ USD vào năm 2008).