Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháng 11, xây dựng xong tiêu chuẩn gạo Việt Nam

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thông tin được Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đưa ra tại cuộc họp sơ kết 6 tháng Ban Chỉ đạo thị trường và giao ban xuất khẩu với các hiệp hội ngành hàng và DN xuất khẩu chiều 9/8.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong 6 tháng đầu năm 2016, mặc dù tăng trưởng ngành nông nghiệp âm nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn giữ được đà tăng trưởng. Trong đó, các mặt hàng tăng trưởng tốt là cà phê, hạt điều, tiêu và rau quả, thủy sản, lâm sản. Gạo và sắn là hai mặt hàng có tốc độ suy giảm trong thời gian gần đây, riêng mặt hàng cao su và chè tuy tăng về lượng nhưng giảm về giá trị.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao đối với các mặt hàng cà phê, hồ tiêu, rau quả, hạt điều và thủy sản. Riêng đối với thị trường Nhật Bản, hầu hết các mặt hàng đều giảm đáng kể do nhu cầu thị trường yếu. Tuy nhiên, đối với thị trường Trung Quốc, việc xuất khẩu gạo và sắn cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chính của xuất khẩu gạo giảm từ quý II là do chưa ký tiếp được các hợp đồng tập trung từ một số thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia để dẫn dắt thị trường. Bên cạnh đó, thị trường tiếp tục chịu áp lực giảm từ việc Thái Lan bán gạo tồn kho với giá rất thấp. Hơn nữa phía Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý xuất nhập khẩu gạo qua biên giới đất liền phía Bắc, chống buôn lậu gạo khiến cho xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch không thuận lợi.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường gạo của Việt Nam ngoài thị trường gạo trắng thông dụng ở các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, phần lớn chuyển biến theo chiều hướng thuận. Từ chỗ chỉ có 2 - 3% gạo thơm xuất khẩu năm 2010 - 2011 đến cuối năm 2015 con số lên này tới 22% gạo thơm các loại, gạo trắng chất lượng cao cũng trên 20%. Do đó, theo Chủ tịch VFA Huỳnh Thế Năng, đối với tiêu chuẩn gạo Việt Nam mà Cục Chế biến nông lâm thủy sản đang thực hiện, cần lưu ý đến dòng gạo thơm, đặc biệt là gạo Jasmine Việt Nam.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của ngành từ nay đến cuối năm 2016 là đảm bảo giữ vững tăng trưởng xuất khẩu, khắc phục thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng của thời tiết, môi trường. Trong đó, tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nhất là đầu ra cho mặt hàng gạo. Đồng thời tiếp tục tháo gỡ rào cản kỹ thuật cho xuất khẩu nông sản theo hướng chủ động, tiếp cận với các thị trường đang tăng cường rào cản như Mỹ với cá tra, chè… Bộ NN&PTNT cũng đề ra nhiệm vụ tập trung triển khai xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Dự kiến đến cuối tháng 11 sẽ xây dựng xong tiêu chuẩn gạo Việt Nam và đầu năm 2017 sẽ tổ chức thi thiết kế logo gạo Việt Nam.

Bộ NN&PTNT tiếp thu kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng, kịp thời đề xuất với các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, tín dụng, phí thuế cho ngành nông nghiệp. Bộ cũng đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam tập trung xây dựng chương trình lịch làm việc với đoàn kiểm dịch gạo Trung Quốc vào Việt Nam trong tháng 11/2016.