Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháng 6, Bộ GD&ĐT sẽ thanh tra và xử lý nghiêm bạo lực học đường

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) không chỉ là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, ban giám hiệu nhà trường mà là trách nhiệm của từng nhà giáo, cán bộ, viên chức, người lao động trong nhà trường và trách nhiệm của phụ huynh và toàn xã hội”.

Hôm nay 17/4, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến về đảm bảo an ninh, an toàn trường học phòng chống bạo lực học đường. Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua đã có nhiều văn bản quy định của pháp luật về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống BLHĐ.
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị.
Bộ GD&ĐT cũng ban hành nhiều thông tư, chỉ thị và mới đây là Chỉ thị 993 về việc tăngcường giải pháp phòng, chống BLHĐ trong cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, BLHĐ vẫn diễn biến phức tạp tại một số địa phương.  Có nhiều nguyên nhân dẫn đến BLHĐ được bộ trưởng Nhạ chỉ ra, trong đó có về đặc điểm, lứa tuổi, mạng xã hội cũng như những tác động khác từ gia đình, xã hội. Vì thế, chúng ta không xem nhẹ khâu nào trong nguyên lý nhà trường – gia đình.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh đến các giải pháp phòng ngừa BLHĐ là chính. Phòng, chống BLHĐ không chỉ các bộ, ngành, địa phương mà là trách nhiệm của từng thầy cô giáo, cán bộ, viên chức, người lao động và học sinh sinh viên trong nhà trường. Và, các thầy cô phải trở thành nhà giáo dục, không phải thợ dạy.
Tại hội nghị, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên đã chỉ ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến BLHĐ. Ông Văn Linh cho rằng, để khắc phục tình trạng BLHĐ, Bộ GD&ĐT triển khai kế hoạch phòng chống BLHĐ năm 2019, với 7 nội dung như truyền thông; xây dựng môi trường; tích hợp nội dung phòng chống BLHĐ và chương trình và các hoạt động giáo dục; bồi dưỡng nâng cao năng lực phẩm chất nhà giáo; kiểm tra giám sát.
Ông Bùi Văn Linh thông tin đến việc trong tháng 5, 6/2019 sẽ xây dựng Bộ tài liệu về cách nhận diện, quy trình xử lý khi có BLHĐ, các tài liệu dạng poster, infographic, video để phát lên mạng, trên báo và dán ở bảng tin các trường. Và trước tháng 8/2019 sẽ nghiên cứu đưa nội dung về kiến thức phòng, chống BLHĐ vào chương trình chính khóa.
Cũng trong tháng 5 - 6/2019, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tổ chức tuyên truyền phòng, chống BLHĐ, chú trọng nêu bật các giải pháp đồng bộ, quyết liệt của Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt, trong tháng 8 tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức chuyên đề thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở giáo dục về việc quán triệt nội dung chỉ thị, thông tư quy định quy tắc ứng xử của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đồng thời làm việc với giáo viên chủ nhiệm, thông báo cho học sinh; dán tài liệu cại các vị trí dễ thấy. Nhất là, thành lập đường dân nóng (số điện thoại di động, cố định) để tiếp nhận phản ánh của học sinh, giáo viên khi có vụ việc xảy ra.
“Đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT sẽ xử lý nghiêm ngay tại hiện trường, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tháng 6 và 7/2019” – ông Bùi Văn Linh nhấn mạnh.