Chiều hướng này báo hiệu năm nay có thể là năm đầu tiên ngân sách Mỹ bị thâm hụt dưới mức 1.000 tỷ USD kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên cầm quyền.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết tổng thu ngân sách liên bang trong tháng Tư vừa qua đạt khoảng 407 tỷ USD - tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tổng chi ngân sách chỉ ở mức 294 tỷ USD - giảm 13%.
Có nhiều lý do khiến nguồn thu ngân sách của Mỹ trong tháng Tư tăng mạnh, trong đó chủ yếu là do thuế thu nhập cá nhân và một số thứ thuế khác tăng trung bình 2% từ đầu năm, cộng với chi tiêu chính phủ giảm mạnh do ngân sách tài khóa 2013 bị tự động cắt giảm 85,4 tỷ USD.
Như vậy, trong tháng vừa qua, ngân sách chính phủ liên bang Mỹ dư thừa 113 tỷ USD, gần gấp đôi mức thặng dư 59 tỷ USD cùng kỳ năm 2012. Đây là mức thặng dư ngân sách lớn nhất của Mỹ kể từ năm 2008. Bất chấp mức thặng dư lớn này, cán cân thu chi ngân sách của chính phủ liên bang Mỹ trong 7 tháng đầu của tài khóa 2013 (bắt đầu từ tháng 10/2012) vẫn bị thâm hụt khoảng 488 tỷ USD, giảm 32% so với mức thâm hụt 720 tỷ USD cùng thời gian này của tài khóa 2012.
Theo dự báo của Cơ quan Ngân sách Quốc hội (CBO), thâm hụt ngân sách của Mỹ trong cả tài khóa 2013 có thể chỉ ở mức 845 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 1.100 tỷ USD trong tài khóa 2012.
Trước đó, năm 2009, năm đầu tiên Tổng thống Obama lên cầm quyền, ngân sách chính phủ Mỹ đã bị thâm hụt ở mức kỷ lục 1.410 tỷ USD, năm 2010 giảm xuống 1.170 tỷ USD và năm 2011 thâm hụt 1.297 tỷ USD. Nguyên nhân của tình trạng thâm hụt ngân sách này là do tác động của cuộc đại khủng hoảng tài chính - kinh tế năm 2007-2008.