Vậy là các cuộc đàm phán căng thẳng kéo dài gần 7 tuần qua đã mở đường giúp bà Merkel lần thứ 3 trở thành Thủ tướng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Thỏa thuận quan trọng
Theo kế hoạch ban đầu, cuộc đàm phán marathon có sự tham gia của 75 nhà đàm phán thuộc liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) nhưng vào phút chót số người tham gia đã giảm xuống còn 15 chính khách hàng đầu của ba đảng. Và giới chóp bu của 3 đảng này đã đạt được nhất trí về hai trong số những vấn đề gây tranh cãi nhất là lương hưu và lương tối thiểu.
Trong vấn đề lương hưu, kế hoạch được đề xuất là những người từ 63 tuổi, đã đóng bảo hiểm 45 năm, có thể nghỉ hưu mà không bị khấu trừ lương hưu, ưu tiên những bà mẹ sinh con trước năm 1992. Kế hoạch này sẽ được bắt đầu áp dụng từ 1/1/2014. Ngoài ra, từ năm 2017, sẽ có cái gọi là "lương hưu đoàn kết" ở mức 850 Euro/tháng để đảm bảo cuộc sống cho những người thu nhập thấp. Trong vấn đề lương tối thiểu, hai bên nhất trí áp dụng mức 8,5 Euro/giờ chung cho toàn liên bang từ năm 2015.
Chưa ngã ngũ
Dù đại liên minh hiện nay từng phối hợp khá ăn ý trong nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên của bà Merkel nhưng việc đàm phán thành lập Chính phủ phải kéo dài suốt thời gian qua cho thấy, giữa những đối tác cũ vẫn còn không ít bất đồng. Trên thực tế, dù đã đạt được thỏa thuận liên quan đến 2 vấn đề quan trọng trên, giữa đại liên minh này vẫn còn một số điểm khác biệt về quốc tịch kép, thuế đường với lái xe người nước ngoài, tài chính và y tế...
Nếu quá trình bỏ phiếu tại SPD diễn ra suôn sẻ, bà Merkel có thể được Quốc hội khoá 18 bầu lại làm Thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba vào ngày 17/12 tới. Trong trường hợp đa số đảng viên SPD phản đối thỏa thuận, bà Merkel sẽ phải lãnh đạo một Chính phủ thiểu số; tiến hành cuộc đàm phán thăm dò thứ hai với đảng Xanh, thậm chí là phải tiến hành bầu cử lại vào đầu năm 2014. Dù kịch bản này rất khó xảy ra nhưng ngay cả khi vượt qua cuộc bỏ phiếu của 470.000 đảng viên SPD, việc bố trí nhân sự trong Nội các mới cũng có nhiều vấn đề.
Theo dự kiến, CDU và SPD sẽ nắm giữ 6 bộ mỗi bên, còn CSU nắm giữ 3 bộ. Liên minh cũng thống nhất sẽ chia nhau giữ mỗi bên một bộ trong 3 cặp bộ chủ chốt là tài chính - kinh tế, ngoại giao - quốc phòng và nội vụ - tư pháp. Tuy nhiên, cách phân chia chiếc bánh quyền lực này đe dọa sẽ gây ra nhiều mâu thuẫn, bất đồng khi các bên ban hành chính sách và điều hành nước Đức trong tương lai. Vì thế, thỏa thuận này chỉ được coi là thắng lợi bước đầu của bà Merkel.
Thủ tướng Angela Merkel và Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel. Ảnh: AFP
|