Sau phiên họp kéo dài, Dự luật đã vượt qua sự phản đối của một số thành viên Đảng Cộng hoà cũng như Dân chủ vào phút chót với tỷ lệ 51 phiếu ủng hộ/49 phiếu chống, đánh dấu sự thay đổi về thuế lớn nhất tại Mỹ kể từ năm 1986.
Tổng thống Trump chúc mừng Thượng viện thông qua kế hoạch cải cách thuế. |
Trước đó, dự luật thuế đã được Hạ viện Mỹ thông qua hồi tháng trước. Lưỡng viện cần thống nhất với nhau một lần nữa trước khi trình lên cho Tổng thống ký thông qua chính thức. Việc bàn bạc dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tuần và ông Trump đang kỳ vọng có thể đưa Dự luật cải cách thuế này thành hiện thực trong năm nay.
Đây được coi là một bước tiến quan trọng để tới chiến thắng lập pháp đầu tiên cho Tổng thống Donald Trump trong năm đầu cầm quyền. Kể từ khi bắt đầu nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump đã nỗ lực đấu tranh để tạo ra sự thay đổi quan trọng về mặt lập pháp trong Quốc hội, bao gồm việc thực hiện lời hứa bãi bỏ và thay thế đạo luật Obamacare trong chiến dịch tranh cử Tổng thống.
Thượng nghị sĩ phe Dân chủ Chuck Schumer, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, cho rằng, dự luật này không phản ánh thực tế những gì người dân Mỹ muốn. Ông chỉ trích phe Cộng hòa đã dùng đến "mánh khóe" đưa ra văn bản dự luật dày 479 trang vào phút chót và không ai có đủ thời gian để đọc trước khi bỏ phiếu.Theo dự luật này, các DN lớn được giảm thuế từ 35% xuống còn 20% trong thời gian vô hạn, các DN nhỏ và cá nhân chỉ được giảm thuế ở mức thấp hơn, cho đến hết năm 2026. Đến năm 2027, những gia đình có thu nhập từ 75.000 USD/năm trở lên sẽ phải đóng thuế cao hơn. Trong thay đổi dự kiến lớn nhất đối với luật thuế của Mỹ kể từ những năm 1980, những người theo Đảng Cộng hoà sẽ thêm khoảng 1.400 tỷ USD vào khoản nợ công 20.000 tỷ USD trong 10 năm, để hỗ trợ tài chính cho những thay đổi mà những người thuộc Đảng Cộng hòa cho rằng sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng.
Tuy nhiên, dự luật cải cách thuế của ông Trump cũng vấp phải luồng ý kiến trái ngược trong cộng đồng DN nước này. Theo đó, được lợi nhất là các DN thuộc lĩnh vực bán lẻ, xây dựng và dịch vụ. Trong khi đó, các DN công nghệ, vật tư, dược và đặc biệt là sản xuất xăng dầu nội địa bị mất lợi thế.
Bên cạnh đó, theo tờ New York Times, 1% những người giàu có nhất nước Mỹ (có mức thu nhập tối thiểu 730.000 USD/năm) sẽ hưởng tới 50% tất cả các lợi ích từ kế hoạch cắt giảm thuế của Tổng thống Donald Trump, với mức thu nhập sau khi nộp thuế của họ sẽ tăng trung bình 8,5%. Trong khi đó, phải đợi tới năm 2027, những người có mức thu nhập từ 150.000 - 300.000 USD/năm mới được hưởng lợi khi thu nhập của họ bắt đầu tăng nhẹ. Chẳng hạn như đề xuất giảm thuế thu nhập DN thực chất chỉ giúp cho những người sở hữu phần lớn cổ phần trong các công ty. Chưa hết, người giàu nước Mỹ còn được hưởng lợi từ việc loại bỏ thuế bất động sản, vốn chỉ tác động đến vài nghìn gia đình giàu có của Mỹ.