Khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi - Ảnh minh họa
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, dịch cúm gia cầm đã phát sinh tại 115 xã của 55 huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố làm hơn 95.000 con gia cầm mắc bệnh, số chết và tiêu hủy là hơn 214.000 con.
Theo kết quả giám sát vi rút cúm trên gia cầm năm 2012 của Cục Thú y, các ổ dịch chủ yếu do vi rút cúm A/H5N1 nhánh 2.3.2.1 (nhóm A) gây nên.
Đặc biệt từ tháng 7/2012 trở lại đây, đã xuất hiện một nhóm vi rút mới thuộc nhánh 2.3.2.1 (nhóm C) và đã có những biến đổi nhất định, làm mắc bệnh và chết nhiều vịt, ngan. Nhóm vi rút này có thể mới xâm nhập vào Việt Nam.
Hiện tại vẫn chưa có vắc xin phù hợp để phòng bệnh cúm gia cầm do nhánh 2.3.2.1 này gây ra. Vì vậy, nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh trong thời gian tới là rất cao.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch, trong đó triển khai ngay việc phát động và tổ chức thực hiện "Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi" trong toàn quốc vào tháng 10/2012.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, đối với các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung và chăn nuôi hộ gia đình, thực hiện phát quang cây cỏ xung quang chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh, tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần.
Đối với cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi ra khỏi cơ sở giết mổ. Nơi giết mổ phải được vệ sinh tiêu độc khử trùng sau mỗi ca sản xuất.
Tại các chợ buôn bán gia cầm sống ở khu vực nông thôn, phải quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm, khu vực giết mổ gia cầm và các vật dụng liên quan cuối mỗi buổi chợ. Phương tiện vận chuyển, lồng nhốt phải được phun khử trùng khi vào, ra khỏi chợ.