Thị trường chịu áp lực điều chỉnh
Sau 4 tuần liên tiếp phục hồi, tăng vượt qua vùng đỉnh giá năm 2023, VN-Index tuần qua và gặp đã chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn khi tiến tới vùng kháng cự mạnh tại 1.282 điểm – 1.287 điểm, tương ứng giá cao nhất phiên giảm mạnh 15/4/2024. Trong 3 phiên đầu tuần, VN-Index điều chỉnh nhe ở vùng kháng cự quanh 1.285 điểm, phục hồi tốt ở phiên tiếp theo và tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh mạnh trong phiên cuối tuần về vùng giá 1.250 điểm. Kết thúc tuần, VN-Index giảm 0,88% so với tuần trước về mức 1.261,93 điểm, kiểm tra lại vùng giá cao nhất năm 2023.
Trong tuần, thanh khoản trên HOSE đạt 125.907,48 tỷ đồng, tăng mạnh 34,3% so với tuần trước, gia tăng trên mức trung bình, cho thấy mức độ đầu cơ ngắn hạn, xoay vòng gia tăng. Thị trường tiếp tục luân phiên phục hồi, cải thiện mạnh ở nhóm mã vốn hóa trung bình, và chịu áp lực điều chỉnh mạnh trong phiên cuối tuần.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng mạnh với giá trị 3.134,9 tỷ đồng trên HOSE, phần lớn đến từ áp lực bán ròng của quỹ Fubon khi quỹ này đang bán ròng liên tiếp, tập trung ở các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, thép trong VN30; bán ròng trên HNX với giá trị 62,02 tỷ đồng.
Thị trường đón nhận nhiều thông tin trong tuần như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II năm 2024 ở mức 5% - 6%; Tính đến trung tuần tháng 5/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 270,82 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư 6,36 tỷ USD. Ngày 20/5/2024, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc.
Như vậy, sau 4 tuần tăng điểm liên tiếp, tiệm cận vùng giá 1.282 điểm - 1.287 điểm tương ứng với vùng điểm số trước khi giảm mạnh cũng như vùng giá cao nhất tháng 9/2022, đã có tuần giao dịch chịu áp lực điều chỉnh kiểm tra lại vùng giá 1.250 điểm.
Trong ngắn hạn, sau khi vượt lên trên vùng kháng cự mạnh 1.250 điểm để quay trở lại kênh giá 1.250 điểm -1.300 điểm, chỉ số đang chịu áp lực kiểm tra lại vùng dưới của kênh giá này. Nếu giữ được vùng hỗ trợ 1.250 điểm trong các phiên sắp tới, VN-Index vẫn có thể duy trì kỳ vọng phục hồi trở lại hướng tới vùng 1.282 điểm – 1.287 điểm.
Áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu
Xu hướng trung hạn của VN-Index trở lại kênh 1.250 điểm - 1.300 điểm sau nhịp giảm điểm mạnh. Trường hợp tích cực, theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán SHS, VN-Index có thể tiếp tục quá trình tích lũy trong vùng này. Trong kịch bản kém tích cực hơn, chỉ số sẽ có thể hướng tới tích lũy trong kênh giá rộng hơn 1.200 điểm – 1.250 điểm. Mặc dù một số thông tin vĩ mô vẫn khá tích cực, cụ thể như xuất nhập khẩu tăng trưởng, cán cân thương mại thặng dư 6,36 tỷ USD, tuy nhiên áp lực tỷ giá vẫn cao khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục phát hành tín phiếu mới và lãi suất trúng thầu tín phiếu đã tăng từ mức 4%/năm lên 4,2%/năm. “Trong bối cảnh đó chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ duy trì được vùng hỗ trợ 1.245 điểm -1.255 điểm tương ứng vùng giá cao nhất năm 2023”- các chuyên gia SHS nhìn nhận.
Về tỷ giá, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Chí Quang cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực từ những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những thách thức, khó khăn trên thị trường trong nước.
Trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước nhiều thách thức, từ đầu năm 2024 đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD, tương tự xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực: Đô-la Đài Loan (-5,06%); Baht Thái (-6,31%); Won Hàn Quốc (-5,66%); Yên Nhật (-10,87%); Rupiah Indonesia (-3,87%); Peso Philippines (-4,82%); Nhân dân tệ (-2,04%). “Tuy nhiên, tất cả các khó khăn, thách thức nêu trên của thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn, vì trong thời gian tới với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng, trong khi doanh nghiệp vừa qua tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai, qua đó cân đối cung – cầu ngoại tệ có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn tới đây”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang khẳng định.
Cũng theo ông Quang, mức giảm giá của VND thời gian qua có thể nhận định là mức trung bình so với các đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới. Với cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỷ giá thị trường đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt. “Như vậy, một số thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỷ giá của NHNN là không chính xác và không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường. Do đó, doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trước những tin đồn”- Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhận định và lưu ý doanh nghiệp, người dân.
Về khuyến nghị đầu tư thời gian tới, các chuyên gia phân tích cho rằng, nhà đầu tư ngắn hạn đang có tỷ trọng cao nên tranh thủ các nhịp hồi phục để giảm tỷ trọng, cơ cấu lại danh mục và tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường tại vùng hỗ trợ. Nhà đầu tư trung - dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục, có thể tiếp tục chiến lược giải ngân dần trong các nhịp giảm điểm, mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, dự báo có triển vọng tích cực trong năm nay.