Thanh khoản tỷ đô trở lại
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước (16/6) , VN-Index giảm 1,75 điểm (0,16%) xuống 1.115,22 điểm. HNX-Index giảm 1,09 điểm (0,47%) xuống 228,44 điểm. UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (0,08%) lên 84,62 điểm. Thanh khoản tăng vọt, giá trị giao dịch HoSE đạt 22,425 tỷ đồng, trở lại ngưỡng tỷ đô.
Áp lực bán thắng thế khiến các sắc đỏ xuất hiện nhiều hơn ở nhóm bluechip, dù chỉ vài mã giảm tương đối như PLX -2,9% xuống 37.200 đồng, PDR -2,6% xuống 16.850 đồng, SAB -2,5% xuống 155.000 đồng, NVL -2,3% xuống 13.900 đồng.
Cổ phiếu bất động sản khá tiêu cực, ITA giảm sàn sau khi cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát, theo quyết định của HoSE. Nguyên nhân được HoSE đưa ra là do ITA lỗ ròng liên tiếp 2 năm 2021 và 2022, thuộc trường hợp cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát theo quy định.
Tại báo cáo tài chính kiểm toán 2021, ITA vẫn báo lãi ròng gần 262 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính kiểm toán 2022, công ty đã điều chỉnh kết quả kinh doanh 2021 với khoản lỗ ròng gần 408 tỷ đồng. Việc điều chỉnh này đã khiến báo cáo tài chính năm 2022 của ITA nhận ý kiến ngoại trừ từ đơn vị kiểm toán. Trước đó, cổ phiếu ITA bị HoSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 6/9/2022 do vi phạm quy định công bố thông tin trên 4 lần trong vòng 1 năm.
QCG của Quốc Cường Gia Lai thoát sàn, nhưng mức giảm vẫn lên tới 6,7%, đóng cửa gần thấp nhất phiên. QCG đã ghi nhận thanh khoản trở lại, hấp thụ toàn bộ số cổ phiếu nằm sàn. Hơn 5,1 triệu cổ phiếu QCG được sang tay, giá giảm về mức 9.800 đồng/ đơn vị.
Các nhóm thanh khoản cao, có sức ảnh hưởng như ngân hàng, chứng khoán cũng suy yếu. Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán vốn là điểm sáng đầu phiên, thì sang đến phiên chiều cũng đã hạ độ cao và đa số chỉ còn tăng nhẹ. VND, APG, HCM, VCI, VIX, AGR, VDS chỉ còn tăng từ 1,6% đến 2,3%. Đáng chú ý, trước đó,VND, VIX có thời điểm đã chạm giá trần, với VND phiên này khớp lệnh cao nhất thị trường khi có hơn 69,3 triệu đơn vị, lực mua nước ngoài khá tốt với khối lượng mua ròng đạt hơn 23,4 triệu đơn vị.
Tại nhóm ngân hàng, nỗ lực của VCB không đủ để chặn đà rơi của VN-Index. VCB tiếp tục tăng 1,4% lên 105.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất từ trước đến nay.
Chọn nhóm ngành nào?
Tại Tọa đàm Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán diễn ra mới đây, các chuyên gia cho rằng, có hai chủ điểm đầu tư cơ bản cần phải quan sát là xu hướng giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và đầu tư công. Trong xu hướng giảm lãi suất, ngân hàng là một trong những ngành được kỳ vọng sẽ hưởng lợi. Khi lãi suất điều hành giảm, chi phí huy động đầu vào giảm nhưng chi phí cho vay giảm với tốc độ thấp hơn sẽ giúp NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) tốt hơn. Mặt khác, lãi suất giảm cũng sẽ kéo dòng tiền từ kênh vốn ngắn hạn quay lại thị trường.
“Vấn đế thứ hai, giải ngân vốn đầu tư công liên quan nhiều hơn đến nội tại nền kinh tế. Nếu có thể tháo gỡ được những ách tắc trong nhiều năm, mà gần đây Chính phủ đã có những giải pháp quyết liệt như đẩy mạnh bàn giao mặt bằng, cơ chế chỉ định nhà thầu,…thì sẽ kéo theo rất nhiều ngành nghề có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến đầu tư công. Giai đoạn này quan trọng nhất là dựa vào vấn đề nội tại nền kinh tế” - Chủ tịch Công ty Chứng khoán VNDirect Nguyễn Vũ Long nhận định.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc Đặng Thành Tâm đánh giá, ngoài ngành bất động sản khu công nghiệp, thì nhóm xây dựng, nhất là các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội chắc chắn sẽ ổn định và có hoạt động kinh doanh tốt. Theo ông Tâm, Chính phủ cam kết sẽ có 1 triệu căn nhà ở xã hội từ đây đến năm 2030, tức mỗi năm hơn 100 ngàn căn, như vậy dòng vốn đầu tư rất lớn, mỗi năm khoảng vài tỷ USD đổ vào đây. Vì thế, các ngành nghề khác có liên quan cũng sẽ tích cực. Ngành ngân hàng theo đó sẽ khởi sắc hơn rất nhiều. Ngành sản xuất hàng tiêu dùng được Chính phủ hỗ trợ mạnh (giảm bớt các loại thuế gồm VAT, làm sao hoàn thuế nhanh hơn...) cũng sẽ khởi sắc.