Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành lập trường ĐH cần có qui hoạch, chuẩn bị và nhu cầu của địa phương

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ở các địa phương, về phía lãnh đạo vấn đề không phải là lỗ lãi, chẳng qua chỉ muốn địa phương mình cũng bằng địa phương bạn.

KTĐT - Ở các địa phương, về phía lãnh đạo vấn đề không phải là lỗ lãi, chẳng qua chỉ muốn địa phương mình cũng bằng địa phương bạn. Người ta có trường thì mình cũng có và mình có trường riêng để con em mình có điều kiện hơn. Tôi nghĩ trong nguyện vọng đó có nhiều phần chính đáng.

 “Dư luận không ủng hộ giao thành lập trường đại học cho Bộ GD-ĐT”, ông Đào Trọng Thi đã nhận định như vậy. Cũng theo ông Thi, vai trò của Bộ đối với việc ra đời của các trường đại học những năm qua là chưa đạt yêu cầu.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Đào Trọng Thi đã trả lời phỏng vấn xung quanh vấn đề đang rất được dư luận quan tâm này.
 
Những năm qua “phong trào” thành lập trường đại học ở Việt Nam rất rầm rộ. Phải chăng, như một số người nói, giáo dục Việt Nam đang là ngành kinh doanh dễ có lãi, thưa ông?

Ở các địa phương, về phía lãnh đạo vấn đề không phải là lỗ lãi, chẳng qua chỉ muốn địa phương mình cũng bằng địa phương bạn. Người ta có trường thì mình cũng có và mình có trường riêng để con em mình có điều kiện hơn. Tôi nghĩ trong nguyện vọng đó có nhiều phần chính đáng.

Nhưng anh thành lập trường anh phải có qui hoạch, phải có sự chuẩn bị, phải xem nhu cầu của địa phương. Nhu cầu hiện nay của mấy tỉnh có khi chỉ cần một trường thì mình mở trường đầu tiên, sau 5 năm nữa nhu cầu cao hơn sẽ mở trường thứ 2. Còn tỉnh nào cũng tự làm rõ ràng sẽ không ổn.

“Phong trào” thành lập trường đại học như những năm qua thể hiện sự thiếu qui hoạch, thiếu vai trò nhạc trưởng của Bộ Giáo dục - Đào tạo?

Tôi cho rằng, công tác qui hoạch làm như vậy là chưa đạt yêu cầu, tức là tương đối tự phát, tuỳ tiện. Đúng là qui hoạch mạng lưới có, nhưng đáng nhẽ qui hoạch mạng lưới là phải thể hiện một sự cụ thể, phải có lộ trình, chứ không phải qui hoạch mỗi tỉnh có một trường thế là “đùng một cái” trong năm nay mỗi tỉnh đều mở một trường.

Tôi cho rằng, vai trò của Bộ thể hiện ở tất cả các khâu chưa đạt yêu cầu của một công việc mà cơ quan quản lí nhà nước phải thực hiện.

Tại buổi thảo luận của Thường vụ Quốc hội về dự thảo luật Giáo dục sửa đổi cách đây chưa lâu đã đề cập đến việc, Thủ tướng quyết định thành lập những trường đặc biệt, còn lại những trường khác giao cho Bộ?

Bộ Giáo dục - Đào tạo trình lên là trường hợp đặc biệt Thủ tướng quyết định, nhưng theo dư luận xã hội, trừ mấy trường trọng điểm ra, phần còn lại Bộ Giáo dục quyết định thì cũng không được dư luận ủng hộ.

Những trường còn lại mới đáng lo ngại, thưa ông?

Đúng vậy! Trường trọng điểm cũng chỉ có 14, còn bao giờ có thêm, chắc cũng phải lâu nữa. Hơn nữa, những trường trọng điểm lại không thành vấn đề, trong khi những trường có khả năng kém chất lượng, những trường đang bị dư luận “soi” lại nằm trong số còn lại.

Nhưng qui định Thủ tướng quyết định thành lập các trường như những năm qua thì vẫn diễn ra sự bùng nổ về số lượng các trường và chất lượng cũng khiến nhiều người chưa yên tâm. Vấn đề ở đây là cơ chế thẩm định?

Thủ tướng quyết định, nhưng có cơ quan thẩm định để tham mưu cho Thủ tướng. Đương nhiên, Thủ tướng cũng phải rút kinh nghiệm bởi vì Bộ Giáo dục thẩm định lên, nhưng Thủ tướng còn có bộ máy giúp xem thẩm định có đạt yêu cầu không hoặc kiểm tra ngược trở lại.

Ở đây, không phải là kiểm tra từng cái một trước khi quyết định mà sau khi quyết định, Thủ tướng có thể giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm tra, nếu sai thì xử lí…

Tới đây, Uỷ ban Giáo dục, Văn hoá, Thanh niên, Thiếu niên của Quốc hội sẽ thực hiện giám sát việc thành lập các trường đại học?

Trong kì họp này, chúng tôi sẽ đề nghị đưa giám sát việc thành lập các trường Đại học vào giám sát tối cao của Quốc hội. Đương nhiên, vấn đề này phải được Quốc hội thông qua mới có thể thực hiện được.

Xin cảm ơn ông!