Bà Nguyễn Thị Thủy, người dân thôn Úc Lý, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai cho biết: “Tôi có 3 đứa con, tất cả đều vào nội thành làm thuê. Vì thế, 3 sào lúa đành bỏ hoang không ai làm. Hơn nữa, giờ làm ruộng không đủ chi phí bỏ ra, nhất là khi các khu đô thị mọc lên thì chuột, sâu bọ cũng phát triển hơn trước”.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn, diện tích đất nông nghiệp của huyện trên 8.328ha, trong đó trên 6.400ha cấy lúa 2 vụ. Tuy nhiên, vài năm gần đây, tình trạng người dân bỏ ruộng diễn ra tại nhiều xã, nhất là ở những khu vực nằm sát các khu đô thị. Thống kê cho thấy, diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang lên tới 217ha, chủ yếu tập trung ở các khu vực ven đô, vùng trũng. Tại những nơi này, việc canh tác của người dân gặp khó khăn do ô nhiễm, chuột cắn phá, ngập úng…
Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến việc người dân bỏ hoang ruộng còn do đất đai vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, trong khi sản xuất nông nghiệp lạc hậu và hệ thống thủy lợi hạn chế, hiệu quả kinh tế không cao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, để hạn chế tình trạng người dân bỏ ruộng, huyện đã tích cực vào cuộc tuyên truyền tới người dân. Đồng thời quán triệt các địa phương tổ chức thống kê, rà soát tất cả diện tích đất bỏ hoang, lập biên bản từng hộ bỏ ruộng. Vận động các hộ có thể nhờ người cấy hộ hoặc nhờ các hợp tác xã trên địa bàn. Qua đó, diện tích ruộng bỏ hoang trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể, nếu như năm 2019 là trên 300ha, thì nay giảm xuống còn hơn 200ha.
Để khuyến khích người dân canh tác, không bỏ ruộng, huyện Thanh Oai đã ban hành chính sách tích tụ ruộng đất dựa trên văn bản của TP. Huyện cũng xây dựng riêng đề án nhằm hỗ trợ về giống, thuốc bảo vệ thực vật đối với những diện tích từ 3ha trở lên.
Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng người dân bỏ hoang ruộng, huyện kiến nghị được tăng diện tích chuyển đổi từ diện tích canh tác lúa hiệu quả kém sang mô hình thủy sản, cây ăn quả, rau màu.
Cùng với đó, kiến nghị TP sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời tăng cường công tác tập huấn về sản xuất công nghệ cao, nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn cho cán bộ hợp tác xã. Bên cạnh đó, sớm đẩy nhanh tiến độ thi công 4 trạm bơm và bổ sung một số công trình thủy lợi để cấp nước sông Đáy cho nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện.