Khí xả thải từ ôtô, xe máy; xây dựng, phá dỡ các công trình; đốt rơm rạ, rác... là 3 trong số 12 nguyên nhân được xác nhận gây ô nhiễm không khí Hà Nội. |
Đền đáp môi trường
Cũng như nhiều TP lớn hiện nay tại châu Á, Hà Nội không tránh khỏi loạt vấn đề “kinh niên” của một đô thị đang phát triển như ô nhiễm, ùn tắc… Và khi việc gia tăng bảo vệ môi trường được xem là giải pháp duy nhất vẫn tôn trọng sự đi lên của TP, trách nhiệm rõ ràng không chỉ thuộc về các nhà hoạch định chính sách, tổ chức, DN, mà còn ở chính mỗi một cư dân. Chịu trách nhiệm với môi trường sống mà mình đã khai thác cạn kiệt chính là sự đền đáp tử tế cần có của con người. Điều này lại càng cấp thiết hơn khi thiên nhiên rơi vào tình trạng ốm yếu, dễ thương tổn như lúc này.
Vậy phải chăng, thay vì đua chen những dòng trạng thái “vô thưởng vô phạt” về không khí Hà Nội: Nhiều người sẽ ngừng nổ máy chạy xe cho hành trình chưa tới 1km; số khác cất bỏ bếp than tổ ong “tiết kiệm điện” của gia đình mình; và không ít “người dùng” có nên xét lại những câu từ gay gắt từng dành cho dự thảo hạn chế xe máy của TP dạo nọ?
Lời chia sẻ về ý định rời bỏ Hà Nội vì chất lượng không khí, thậm chí còn trở thành tiêu đề của một bài báo, đột nhiên nhắc nhớ về cách mà người Indonesia đã thực sự bỏ mặc Jakarta đang sụt lún dần để “lập đô” đất mới - nơi được dự báo sẽ có tương lai cũng chẳng khá hơn, chính bởi cách hành xử vô trách nhiệm như thế.
May thay, đâu đó giữa đám đông xô bồ, những sự tử tế với môi trường vẫn âm thầm tồn tại theo cách của nó. Chẳng hạn, đó là cách mà Kiến trúc sư An Việt Dũng của Farming Architects luôn tâm niệm và truyền tải thành công vào từng thiết kế được dựng lên giữa lòng thủ đô.
Trở lại Hà Nội năm 2017 sau thời gian du học tại châu Âu, KTS An Việt Dũng không khỏi ấn tượng về sự phát triển nhanh chóng của TP, nhưng cũng đặc biệt chú ý đến việc người dân luôn phải bịt kín mặt mỗi khi ra đường vì khói bụi. Đó chính là động lực để anh cho ra đời những ban công sinh thái - mô hình mà anh ví như những chiếc “khẩu trang cho TP”.
Đến với thiết kế quán cà phê Koi, KTS An Việt Dũng lại khiến người ta bất ngờ vì việc tận dụng những vật liệu địa phương như gạch Bát Tràng. Điều này không dừng ở ý nghĩa về mặt kinh tế, mà sâu xa là cách hạn chế tối đa sự phát thải trong quá trình xây dựng một công trình đô thị, gây ra ít tác động với môi trường nhất có thể.
Nếu có cơ hội đến văn phòng Farming Architects của KTS An Việt Dũng, ta sẽ lại bắt gặp một sự tận dụng thông minh không kém với các kè sắt bị bỏ đi, nay được anh thu thập lại để tạo thành một khung trần đa năng. Cùng âm vang của tiếng nước chảy nơi hệ thống bể cá phía dưới, tất cả tạo nên một chốn an yên, thanh tịnh hiếm có giữa phố phường náo nhiệt ngày nay.
Tử tế để tận hưởng
Nói về ý tưởng độc đáo trong các thiết kế xanh của mình, KTS An Việt Dũng khiêm tốn cho rằng chúng xuất phát từ chính nếp sống gắn liền với nông nghiệp của người Việt ta xưa nay. Nhiệm vụ của “những người gieo hạt” như anh chỉ là chuyển tải điều đó một cách hoàn mỹ hơn, và gần hơn với hơi thở của thời đại.
Thật vậy, nền tảng xuyên suốt loạt thiết kế “nông nghiệp phố” của Farming Architects là kỹ thuật Aquaponics - sử dụng nước thải từ hồ cá làm nguồn tài nguyên giàu dinh dưỡng cho cây trồng, sau đó thực vật giúp làm sạch nước để đưa trở lại hồ cá. Đây đích thi là một phần trong mô hình Vườn - Ao - Chuồng. Thuật ngữ phức tạp là vậy, nhưng với cá nhân KTS An Việt Dũng, tất cả cũng chỉ đơn giản để chứng minh rằng, người thành thị hoàn toàn có thể trồng rau, nuôi cá ngay tại đất nhà hạn hẹp của mình.
Chính những hộp xốp trắng trồng rau tạm bợ là minh chứng cho những khao khát được sống xanh, sống sạch của nhiều gia đình ở TP hiện nay. Và giữa thời buổi đô thị hóa nhanh đến chóng mặt, cách duy nhất để được tận hưởng một cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên như vậy chính là đối đãi tử tế với môi trường xung quanh. Nhưng chúng ta, khi chẳng phải một người làm thiết kế như anh Dũng, liệu có thể thay đổi điều gì?
Có lẽ phải đến gần đây tôi mới thật sự thấm thía lời nhắn nhủ của KTS An Việt Dũng trước khi kết thúc buổi trò chuyện cùng báo Kinh tế & Đô thị, rằng bất cứ ngành nghề nào cũng có thể thông qua công việc của mình mà thể hiện tình yêu và sự tử tế với môi trường. Đó là khi tôi dừng mua bó rau ở chợ và bất ngờ nhận được lời đề nghị từ cô bán hàng: “Cháu cho vào túi nhé, đỡ phải dùng thêm túi ni-lông. Ô nhiễm quá rồi nên mỗi người cố một chút vậy”.