Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành phố thông minh và thị trường bất động sản

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ đô Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển các đô thị vệ tinh, là chiến lược dài hạn cho mục tiêu xây dựng TP thông minh - TP xanh. Singapore là quốc gia được đánh giá đã xây dựng được mạng lưới TP thông minh hàng đầu thế giới.

Nhiều thách thức
Cùng với TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa kế hoạch xây dựng TP thông minh - đô thị xanh. Theo Sở thông tin và Truyền thông Hà Nội, trong năm 2019 cùng với việc từng bước hình thành Trung tâm điều hành thông minh, TP đang tiếp tục tâp trung hình thành và đưa vào sử dụng một số thành phần cơ bản của hệ thống Giao thông thông minh và Du lịch thông minh.
Mục tiêu của kế hoạch này nhằm hướng tới xây dựng TP Hà Nội thông minh bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân trên nền tảng công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng 4.0 đã được lãnh đạo UBND TP xác định trong Kế hoạch công nghệ thông tin Hà Nội năm 2019.
 Trung tâm điều khiển tín hiệu giao thông Hà Nội (Ảnh: Internet).
Theo KS Nguyễn Văn Thanh - Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, trong thời gian qua vấn đề xây dựng TP thông minh tại Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, không chỉ chính quyền mà cả nhà đầu tư cũng tham gia tích cực vào công tác này. “Nhưng thực tế việc xây dựng TP thông minh của Hà Nội đang gặp những thách thức, như: hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển; thiếu kiểm soát trong quá trình phát triển đô thị dẫn đến những vi phạm về xây dựng; chất lượng các công trình chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và của người dân...” - ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, việc xây dựng TP thông minh tại Thủ đô trong thời gian tới sẽ còn gặp nhiều thách thức bởi khối lượng công việc khổng lồ cần phải giải quyết như kinh phí đầu tư nâng cấp hệ thống quản lý thông minh, ứng dụng công nghệ trong quản lý quy hoạch - xây dựng... gia tăng dân số cả tự nhiên và cơ học, sự ra đời của các khu đô thị vệ tinh, đô thị mới dẫn đến nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội ngày càng lớn... là những vấn đề nóng của chính quyền Hà Nội.
Các chủ đầu tư có nhiều lựa chọn
Quá trình xây dựng TP thông minh đã làm thay đổi mọi mặt trong đời sống xã hội, BĐS cũng là một trong những ngành nghề có tính thích ứng nhanh nhất với sự thay đổi này. Chính quyền TP Hà Nội đã có việc làm cụ thể để hỗ trợ cho ngành nghề này trước xu thế đầu tư BĐS thông minh, như: nâng cao hiệu quả sử dụng điện nước và các cơ sở hạ tầng tiện ích xã hội; Ở cấp độ dự án và tòa nhà, các chủ đầu tư và người mua đều đang hướng đến việc thông minh hóa hoạt động quản lý và vận hành từ hệ thống an ninh, đến kết nối internent, từ sử dụng điện đến các yếu tố giảm thiểu tác động đến môi trường. Ở cấp độ căn hộ, đã dần xuất hiện trên thị trường các sản phẩm được tích hợp những hệ thống hỗ trợ thông minh và kết nối đồng bộ với internet (internet of things) do các bên thứ 3 cung cấp...
 Ứng dụng công nghệ thông tin đanng từng bước góp phần xây dựng TP thông minh (Ảnh Internet).
Giám đốc Savills Hà Nội Matthew Powell cho biết, trước những tác động của cách mạng 4.0 doanh nghiệp BĐS có thể tìm ra hướng đi và sản phẩm thông minh phù hợp với dự án của mình. Các chủ đầu tư có rất nhiều lựa chọn trong việc ứng dụng công nghệ thông minh trong dự án của mình, nhưng không phải hướng đi nào cũng phù hợp và đúng đắn với đặc thù của sản phẩm của họ và thói quen của người dùng Việt.
“Vì vậy họ cần có sự đầu tư thời gian nghiên cứu và tìm hiểu để tìm ra đối tác phù hợp với những giải pháp về phần cứng và phần mềm phù hợp, có giá trị lâu dài cho sản phẩm, dự án và khách hàng, thay vì chỉ là một từ khóa để marketing bán hàng” - ông Matthew Powell nói.
Cũng theo ông Matthew Powell, từ thành công của Singgapore mang lại rất nhiều kinh nghiệm cho Hà Nội và các đô thị của Việt Nam trong quá trình xây dựng TP thông minh, cả về vấn đề quản lý - vận hành đô thị và phát triển thị trường BĐS.
Bước đi đầu tiên của Singapore là xây dựng một mạng lưới băng thông rộng tốc độ cực nhanh trên phạm vi toàn quốc và wi-fi miễn phí cho toàn dân. Tiếp theo là một mạng lưới cảm biến đường phố toàn quốc, từ đó làm khung tính phí đường bộ theo mức độ sử dụng thực. Mạng lưới này sẽ sớm được nâng cấp thành một hệ thống không trạm/cổng, tính phí chính xác theo định vị, đồng thời cung cấp thông tin giao thông thời gian thực và dịch vụ sạc tự động ở các bãi đỗ xe bên đường. Ở các giao lộ, người cao tuổi và khuyết tật có thể quẹt thẻ nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) ở hộp chờ để có nhiều thời gian qua đường hơn.
Các dự án Nhà ở & Dự án BĐS được thử nghiệm các sản phẩm thông minh trong nhà, ví dụ như hệ thống chiếu sáng thông minh để tiết kiệm năng lượng, cảm biến để theo dõi cư dân cao tuổi đề phòng trường hợp khẩn cấp và thu gom chất thải khí nén tự động để thu gom rác thải không mùi. Năm 2017, chính quyền bắt đầu thử nghiệm xe ô tô lái tự động...
“Việc xây dựng một TP thông minh tăng mức độ an toàn, thuận tiện, hiệu quả trong vận hành, sẽ giúp Hà Nội trở thành TP đáng sống và làm việc, các dự án BĐS khi đó cũng sẽ phát triển theo chiều hướng thông minh hơn để phục vụ người dân” - ông Matthew Powell cho biết thêm.