Các NHTM đã chủ động giới thiệu các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tới khách hàng. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện và phát triển các phương thức truyền thống như ủy nhiệm chi (lệnh chi), ủy nhiệm thu (nhờ thu), một số phương tiện và dịch vụ thanh toán mới dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin đã xuất hiện và đang đi dần vào cuộc sống, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới như: Thẻ ngân hàng, Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking, Ví điện tử,…
39 triệu tài khoản cá nhân
Các NHTM cũng quan tâm hơn đến phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, khách hàng cá nhân, tình hình mở và sử dụng tài khoản cá nhân tăng lên đáng kể, đặc biệt từ khi dịch vụ trả lương qua tài khoản được triển khai, cụ thể: năm 2000 mới chỉ có trên 100.000 tài khoản cá nhân thì đến nay đã đạt trên 39 triệu tài khoản. Một số NHTM bước đầu triển khai dịch vụ thanh toán tiền điện, tiền nước, cước phí điện thoại, viễn thông, truyền hình cáp, phí bảo hiểm và một số khoản thu khác như học phí, phí giao thông không dừng.
Từ năm 2006, thẻ ngân hàng đã được đông đảo người dân đón nhận và có tốc độ phát triển nhanh chóng.
Đến cuối tháng 9/2012, có 46 ngân hàng đã trang bị máy ATM với số lượng gần 14.030 máy
Cụ thể tính đến cuối tháng 9/2012 đã tăng hơn 1.600% về số lượng thẻ phát hành; tăng khoảng 470% về giá trị giao dịch thẻ và tăng khoảng 600% về số lượng giao dịch thẻ so với cuối năm 2006; tỷ lệ sử dụng thẻ ngân hàng so với các phương tiện TTKDTM khác đang có xu hướng tăng lên (đến cuối năm 2011, thanh toán bằng thẻ ngân hàng đã chiếm khoảng 8,57% về số lượng giao dịch TTKDTM). Tính đến cuối tháng 9/2012, lượng thẻ phát hành đạt 60 triệu thẻ, với 47 tổ chức phát hành và khoảng 339 thương hiệu thẻ.
Dịch vụ thẻ ngân hàng phát triển đã giúp NHTM có thêm kênh huy động vốn, tăng nguồn thu và phát triển thêm các dịch vụ cung cấp cho khách hàng qua tài khoản tại ngân hàng; cung cấp các giá trị gia tăng trên sản phẩm thẻ với nhiều tiện ích khác nhau.
Chú trọng đầu tư cho hoạt động thanh toán bằng thẻ
Song song với việc phát triển về số lượng thẻ, các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cũng rất quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động thanh toán thẻ.
Đến cuối tháng 9/2012, có 46 ngân hàng đã trang bị máy ATM/POS với số lượng gần 14.030 ATM và hơn 94.500 POS, tăng lần lượt 550% và 570% so với cuối năm 2006.
Để tạo thuận lợi cho chủ thẻ giao dịch thanh toán, các công ty chuyển mạch thẻ đã hoàn thành kết nối liên thông hệ thống ATM trên phạm vi toàn quốc (tháng 5/2008), qua đó thẻ của một ngân hàng đã có thể sử dụng để rút tiền và thanh toán tại hầu hết ATM của các ngân hàng khác.
NHNN cũng đã chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các ngân hàng thương mại và các công ty chuyển mạch triển khai kết nối liên thông mạng lưới POS trên toàn quốc; đến nay cơ bản hoàn thành kết nối về kỹ thuật trên toàn quốc với sự tham gia của trên 30 NHTM (533 chi nhánh) và hỗ trợ xử lý hàng triệu giao dịch với giá trị thanh toán hàng nghìn tỷ đồng qua hệ thống POS được kết nối. Việc thống nhất mạng lưới ATM/POS trên toàn quốc giúp tạo ra các tiện ích và giá trị lớn hơn cho người sử dụng thẻ, tiết kiệm chi phí đầu tư mở rộng mạng lưới POS, giảm tải cho hệ thống ATM. Từ đó, việc thanh toán thẻ qua POS đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tại các thành phố lớn, xu hướng thanh toán bằng thẻ của dân cư đang tăng lên khá nhanh.
Bên cạnh đó, một phương tiện thanh toán mới đã xuất hiện và áp dụng tại Việt Nam từ cuối năm 2008 là “ví điện tử”.
Đến nay, NHNN đã cho phép 9 đơn vị không phải là tổ chức tín dụng được triển khai thí điểm cung ứng dịch vụ thanh toán ví điện tử. Đến nay, đã có gần 1,1 triệu ví điện tử được mở với khoảng 5 triệu giao dịch và tổng giá trị giao dịch đạt trên 2.550 tỷ đồng (tính từ đầu năm 2012).