Thanh toán không tiền mặt vẫn vướng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 11/12, nhiều ý kiến đánh giá Dự thảo còn một số điểm thiếu rõ ràng, chưa thuyết phục và cần tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa.

Xóa nỗi lo an toàn, bảo mật
Bà Phan Minh Thảo - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) cho hay, theo nghiên cứu của CIEM, thực tế đến thời điểm hiện tỷ trọng TTKDTM trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam còn thấp, chỉ chiếm 11,49%. Tỷ lệ sử dụng tiền mặt rất cao, chiếm gần 90% chi tiêu. Gần 85% giao dịch tại ATM chỉ đơn giản là rút tiền.
Chủ tịch Hiệp Hội Thương mại điện tử Nguyễn Thanh Hưng cũng cho biết, số liệu của Bộ Công Thương, trong 5 năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng với tốc độ 25 - 30%/năm với tổng giá trị giao dịch TMĐT năm 2018 đạt 8 tỷ USD. Tuy nhiên phương thức thanh toán vẫn chủ yếu là tiền mặt, tỷ lệ thanh toán trực tuyến rất thấp, đến 80% khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền (COD).
 Khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Một trong những nguyên nhân chính khiến người Việt chưa “mặn mà” với hình thức TTKDTM là lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn về tính an toàn trong thanh toán, bảo mật thông tin… Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico yêu cầu tăng cường các hình thức bảo mật là điều quan trọng ở thời điểm hiện nay. Bởi lẽ, đã có rất nhiều vụ việc mất tiền của người dùng qua các giao dịch tiền điện tử trong thời gian qua. Dự thảo đưa ra: Tài khoản thanh toán của khách hàng có thể bị phong tỏa, đóng nếu phát hiện có nhầm lẫn sai sót… Nhiều ý kiến băn khoăn, ngoài tòa án thì cơ quan nào có thẩm quyền nên đề xuất Ban soạn thảo xem xét hướng dẫn cụ thể.
Nhận thức được vấn đề này, Vụ Thanh toán quốc tế (Ngân hàng Nhà nước) Hồ Cảnh Liêm cho biết, ngành ngân hàng đang triển khai các nội dung về rà soát, đánh giá rủi ro và triển khai các giải pháp an ninh bảo mật. Các công nghệ mới, hiện đại, trang bị thêm nhiều lớp bảo vệ cho mỗi giao dịch, thanh toán như: Áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code); mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... cũng được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng. Điều này nhằm nâng chất lượng dịch vụ, đồng thời tăng độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ, tạo lòng tin, giúp người dùng dần bỏ thói quen dùng tiền mặt.
Làm rõ bản chất tiền điện tử
Một nội dung mới đáng chú ý được NHNN đề xuất trong Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động TTKDTM là bổ sung quy định về tiền điện tử. Trong đó, các hình thức thể hiện của tiền điện tử là ví điện tử, thẻ trả trước (Prepaid Card), tiền di động (Mobile Money); đối tượng cung ứng tiền điện tử gồm có ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử, tiền di động).
“Nội dung bổ sung này thực sự cần thiết giúp cho người dân có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi với thiết bị di động được kết nối Internet đồng thời giúp thúc đẩy tài chính toàn diện" - ông Hồ Cảnh Liêm cho hay.
VCCI cũng đã nhận được rất nhiều văn bản của các DN băn khoăn hỏi: Tiền di động có phải là một loại tiền tệ hay không? Các tổ chức cung ứng dịch vụ viễn thông phát hành tiền di động theo cơ chế, cách thức nào, cách thức vận hành của tiền di động? Mặc dù Dự thảo đã quy định về tiền điện tử, tuy nhiên, đại diện Techcombank cho rằng, cần bổ sung thêm quy định để đảm bảo xác định đúng và phân biệt rõ giữa tiền điện tử (loại tiền hợp pháp) và tiền ảo, tiền mã hóa (chưa được công nhận hợp pháp).
NHNN cần sửa đổi lại dự thảo theo hướng quy định rõ tiền điện tử được sử dụng trong thanh toán hợp pháp ở Việt Nam phải là tiền được số hóa từ tiền đồng và việc phát hành phải thông qua nối kết với tài khoản ngân hàng (để đảm bảo nguyên tắc không dùng tiền mặt và đáp ứng các quy định về phòng chống rửa tiền...), đại diện Techcombank kiến nghị.

"NHNN xem xét lại quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với Fintech (các lĩnh vực trung gian thanh toán) 49% là không phù hợp. Ở các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Philippines, không có quy định giới hạn sở hữu nước ngoài với các tổ chức trung gian thanh toán.

Hiện nay Fintech rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển đầu tư cho công nghệ, thị trường, nhân lực. Việc hạn chế đầu tư nước ngoài sẽ kìm hãm sự phát triển của Fintech và không phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong khi kế hoạch của Chính phủ nhằm thúc đẩy CMCN 4.0 và phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam." - Ông Phùng Anh Tuấn - Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính - VAFI