Chung tay giữ đường làng, ngõ phố sạch - đẹp
Xã Tứ Hiệp (liền kề thị trấn Văn Điển) - nơi điển hình thực hiện trồng cây xanh, hoa đẹp và gắn với thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2014" của huyện Thanh Trì. Con đường liên xã ngày nào còn gồ ghề, nay được trải thảm nhựa nhẵn lỳ, sạch sẽ. Hai bên đường nhiều đoạn được quy hoạch vỉa hè, trồng cây xanh, hoa tiểu cảnh đẹp. Gặp Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh (CCB) xã Chử Minh Tiến đang xén, tỉa đầu hàng cây dải phân cách cho phẳng, ông cho biết, đoạn đường liên xã này dài ước hơn 1km, cuối năm ngoái chính quyền cùng Nhân dân đầu tư, bỏ công sức làm cho đẹp. "Hôm đó, cả chủ tịch xã, cán bộ văn phòng cùng lực lượng đoàn thể Nhân dân xắn quần, đào san lấp, trồng cây đông vui như hội" - ông Tiến khoe và cho biết, kinh phí đầu tư cây giống, cây cảnh Nhân dân góp, xã làm hệ thống nước tưới, dài hơn 400m đến đoạn trường học… Điểm mới trong quản lý trục đường là chia thành nhiều ô và trên đó gắn tên cơ quan Văn phòng ủy ban xã, đoàn thể để thi đua gìn giữ sạch, đẹp.
Ngoài ra, hàng ngày, Hội CCB được giao chăm sóc cây; đoàn thanh niên đi kiểm tra, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt, phát hiện phế liệu xây dựng đổ trộm báo xã xử lý; Hội phụ nữ gom rác, giữ vệ sinh. Khu vực nào làm không tốt, loa truyền thanh xã sẽ nêu tên nhắc nhở. Mô hình này, ban đầu thí điểm triển khai ở thôn Cổ Điển A, chào mừng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (năm 2010), nay xã nhân rộng trong toàn xã. Đến nay, toàn xã Tứ Hiệp đã trồng 700 cây sấu lấy bóng mát (giá 150.000 đồng/cây), gần 3 tấn hoa mười giờ (15.000 đồng/kg), 5.500 khóm hoa tóc tiên (1.500 đồng/gốc), trị giá cả tỷ đồng mua cây giống, phân bón và công lao động do Nhà nước và Nhân dân cùng đóng góp.
Từ Tứ Hiệp, nhiều nơi áp dụng mô hình trên, như các xã: Đại Áng trồng hơn 2.000 cây hoa Giấy; Vĩnh Quỳnh trồng hơn 2.000 cây hoa các loại, gần 1 tấn hoa mười giờ dọc trục đường Vĩnh Quỳnh - Đại Áng. Con đường xây mới này vốn đã đẹp, nay càng rực rỡ. Xã Liên Ninh xây dựng mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường", đã huy động cộng đồng, đóng góp gần 5 tỷ đồng, xây mới và cải tạo 5km đường, trồng hơn 400 cây bóng, mát ăn quả… Đến nay, phần lớn những điểm công cộng, khuôn viên cơ quan, đơn vị ở Thanh Trì đều trồng cây xanh, hoa cảnh với nhiều chủng loại phù hợp, theo quy hoạch, đảm bảo phát triển lâu dài và đẹp.
Bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Lê Thị Thu Thủy, thực hiện Nghị quyết số 41 - QN/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về "Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước", Huyện ủy đã xây dựng các chương trình, đề án và các giải pháp để bảo vệ môi trường trên địa bàn đạt kết quả tích cực.
Những năm gần đây, công tác này gắn với xây dựng nông thôn mới, qua đó, các sông, hồ, ao và hệ thống rãnh thoát nước được tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy được duy trì vệ sinh chiều thứ Sáu, sáng thứ Bảy hàng tuần. Bên cạnh đó, huyện đã huy động các nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân cùng cải tạo làm mới, tổng cộng kè xong 28.111m2 ao, đầm cho các xã; hoàn thành nâng cấp, cải tạo 9,8km đường liên xã, hơn 110,9km đường giao thông thôn, xóm, với tổng mức đầu tư ước 434 tỷ đồng. Toàn huyện bố trí 18 điểm tập kết rác, đảm bảo 97% lượng rác thu gom trong ngày (khoảng 161tấn/ngày). Huyện cũng tăng cường kiểm tra, tiến hành xử lý 157 đơn vị vi phạm môi trường, phạt trên 1,27 tỷ đồng; đình chỉ 2 lò mổ tự phát, thay vào đó, xây dựng lò mổ lợn tập trung (xã Vạn Phúc), công suất 1.500 con/ngày đêm, trở thành huyện đầu tiên của TP xóa bỏ điểm giết mổ lợn nhỏ lẻ… Ghi nhận những nỗ lực trên, ngành TN&MT huyện được Thủ tướng tặng Bằng khen; UBND TP tặng Cờ thi đua xuất sắc các năm 2009, 2010, 2012… Tuy vậy, chính quyền và Nhân dân trong huyện vẫn ước nguyện, ngày nào đó di dời được nghĩa trang Văn Điển, Nhà máy Pin, phân lân Văn Điển… Những cái tên, khiến Thanh Trì vẫn mang tiếng môi trường còn ô nhiễm.
Chăm sóc cây xanh ven đường tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. Ảnh: Kim Toàn
|