Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháo gỡ khó khăn cho nông dân Hà Nội

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh của nông dân Hà Nội là rất lớn, song những bất cập, vướng mắc về cơ chế đất đai, thế chấp tài sản đang trở thành rào cản của không ít nông hộ trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Theo phản ánh của nhiều cán bộ tiểu ban Quỹ khuyến nông (QKN) tại trạm khuyến nông các huyện, thị xã, nhu cầu vay vốn của bà con nông dân vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, đang vướng ở chỗ không phải ở chính sách của ngành khuyến nông mà là do cơ chế về đất đai đã thay đổi.

Một trang trại chăn nuôi lợn khép kín đảm bảo an toàn dịch bệnh tại huyện Thanh Oai. Ảnh: Ngọc Ánh
Một trang trại chăn nuôi lợn khép kín đảm bảo an toàn dịch bệnh tại huyện Thanh Oai. Ảnh: Ngọc Ánh

Cụ thể, đa số chủ trang trại trước đây đều có hợp đồng giao khoán ký với các UBND xã, nhưng hiện tại UBND xã không có quyền giao đất trực tiếp mà phải thông qua đấu thầu. Trong khi việc đấu thầu đất hiện nay cũng đang tắc ở chỗ không có cách xác định giá trị những tài sản, hoa màu trên đất của người đã đầu tư trước đó.

Thực tế, những người chủ trang trại này vẫn đang sản xuất nhưng lại không có đầy đủ các thủ tục pháp lý để vay vốn, tham gia vào mô hình nên khó mở rộng quy mô, khó phát triển bền vững được. Bất cập này rất cần được TP quan tâm tháo gỡ kịp thời.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân nhận định, 2 năm (2020, 2021), diễn biến thời tiết phức tạp, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các hộ vay vốn phát triển sản xuất.

Trong khi đó, nhiều hộ đang gặp vướng mắc trong khâu thế chấp tài sản để vay vốn do khung giá đất thổ cư rất thấp, thậm chí có hộ phải thế chấp tới 2 mảnh đất mới đáp ứng yêu cầu được vay.

Đáng nói, trong tình hình mới, đối tượng có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất rất đa dạng, nhiều ngành nghề sử dụng lao động nông thôn chưa có điều kiện để vay vốn QKN do không nằm trong nhóm đối tượng được vay theo quy định. Đây là những khó khăn đối với hoạt động của QKN cần sớm được tháo gỡ.

Ngoài ra, nông dân còn gặp khó khăn về giá thức ăn chăn nuôi cao, buộc phải giảm quy mô đàn, tiết kiệm tối đa những chi phí có thể. Về cơ giới hóa, tỷ lệ áp dụng mạ khay, cấy máy trên địa bàn còn thấp mặc dù TP đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ.

Nguyên nhân là do mạ khay, cấy máy đòi hỏi nhiều điều kiện đi kèm như làm đất, làm mạ phải kỹ lưỡng, nhiều công đoạn hơn so với gieo mẹ, cấy theo phương pháp truyền thống, bề mặt ruộng phải tương đối phẳng, chủ động nguồn nước… Trong khi đó thời vụ gieo cấy ngắn, rồi các vấn đề liên quan đến mặt bằng, nhà xưởng đòi hỏi diện tích lớn, vốn đầu tư ban đầu cao, lợi nhuận thu về thấp khiến nông dân, hợp tác xã e dè đầu tư.