Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống ma túy

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 9/8, Ban chỉ đạo 89 huyện Đông Anh (TP Hà Nội) phối hợp với Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 – Hà Nội tổ chức tọa đàm về Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện tự nguyện.

Phát biểu tại toạ đàm, Thượng tá Chu Anh Tuấn - Phó trưởng Công an huyện Đông Anh, Phó trưởng BCĐ 89 huyện Đông Anh cho biết, những năm qua BCĐ 89 huyện nói chung và Công an huyện nói riêng đã phối hợp rất chặn chẽ với Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 - Hà Nội trong công tác tiếp nhận, chữa bệnh và giáo dục đối với những người nghiện ma túy trên địa bàn huyện Đông Anh, chấp hành biện pháp xử lý đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc tự nguyện.

Thượng tá Chu Anh Tuấn - Phó trưởng Công an huyện Đông Anh phát biểu tại tọa đàm.
Thượng tá Chu Anh Tuấn - Phó trưởng Công an huyện Đông Anh phát biểu tại tọa đàm.

“Sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị đã giúp hoàn thành các nhiệm vụ do UBND TP, Công an TP và Sở LĐTB&XH Hà Nội giao; giúp công dân nghiện ma túy của huyện Đông Anh và người nghiện lang thang trên địa bàn huyện được chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề để quay trở lại cộng đồng” - Thượng tá Chu Anh Tuấn cho hay.

Cũng theo Thượng tá Chu Anh Tuấn, năm 2021 Quốc hội ban hành Luật phòng chống ma túy, đi kèm là các văn bản hướng dẫn thi hành và triển khai thực hiện do Chính phủ ban hành, như: Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐNĐ của HĐND TP Hà Nội về quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND TP Hà Nội; Pháp lệnh 03/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án Nhân dân về đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc...

Quan cảnh buổi tọa đàm
Quan cảnh buổi tọa đàm

Tuy nhiên, khi thực hiện các văn bản trên cũng như thực tế triển khai còn có một số khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, thông qua tọa đàm sẽ nêu bật những khó khăn, vướng mắc trong công tác thiết lập và hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc và tự nguyện; đồng thời đưa ra giải đáp, trả lời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên.

“Thông qua tọa đàm sẽ giúp chúng ta tháo gỡ nhiều vấn đề trong công tác cai nghiện bắt buộc và tự nguyện, để thực hiện công tác cai nghiện được tốt hơn trong thời gian tiếp theo. Đề nghị các đơn vị thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội, các đơn vị có liên quan quan tâm hỗ trợ và đồng hành cùng chúng tôi trong giải quyết khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện trong công tác tiếp nhận, quản lý người nghiện khi được đưa vào trung tâm cai nghiện để quản lý theo quy định” – Thượng tá Chu Anh Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Đông Anh kiến nghị.

ông Nguyễn Văn Lập - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội chia sẻ tại tọa đàm.
ông Nguyễn Văn Lập - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội chia sẻ tại tọa đàm.

Theo đó, toạ đàm đã nghe thảo luận về những khó khăn, vướng mắc của đại diện Công an các xã, thị trấn, cán sự phòng chống tệ nạn xã hội các xã, thị trấn như: khó khăn khi triệu tập, xét nghiệm;khó khăn trong thiết lập hồ sơ; khó khăn xác minh đối tượng tỉnh ngoài; khó khăn khi cán bộ văn hóa các xã, thị trấn nhận chế độ theo 13/2023/NQ-HĐNĐ của HĐND TP nhưng chưa thực hiện một số nhiệm vụ theo đúng chức năng nhiệm vụ trong thường trực BCĐ 89 xã, thị trấn về phòng, chống ma túy...

Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Lập - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Sở LĐTB&XH Hà Nội cùng các diễn giả đã trao đổi, giải đáp, trả lời các vấn đề mà các đơn vị đã đặt ra, qua đó phần nào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho những đơn vị liên quan để thực hiện tốt công tác cai nghiện, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐNĐ của HĐND TP Hà Nội trong thời gian tiếp theo.

Kết thúc tọa đàm, phía Công an huyện Đông Anh đã tổ chức tham quan cơ sở cai nghiện ma túy số 03, nơi đang quản lý 470 người nghiện ma túy đang cai nghiện bắt buộc và tự nguyện tại cơ sở.