Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tháo gỡ vướng mắc trong việc áp thuế đối với thủy sản “chế biến” và “sơ chế”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, xuất hiện rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp phản ánh về vấn đề áp thuế đối với sản phẩm “sơ chế”, “chế biến”, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhiều DN bị các  cơ quan quản  lý Nhà nước ngành thuế áp mức thuế suất cho hàng thủy sản là sơ chế với mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 20%, trong khi các mặt hàng đầu ra của các DN này đa số là sản phẩm đã qua chế biến, được phép áp dụng mức thuế TNDN  là 15% (theo khoản 5 Điều 11 và khoản 1 Điều 6 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính).
Thủy sản xuất khẩu là lĩnh vực mang lại giá trị kinh tế lớn. Ảnh minh họa.
Các văn bản hướng dẫn của ngành tài chính chưa có cơ sở vững chắc xác định thế nào là sơ chế và thế nào là chế biến, sản phẩm như thế nào sẽ được coi là sản phẩm khác với nguyên liệu đầu vào.
Nhiều DN cho rằng, quy định về sơ chế, chế biến tại các văn bản về  thuế nêu trên không phù hợp với thực tế ngành chế biến thủy sản, không phù hợp với quy định của Luật An toàn thực phẩm và Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ  tướng Chính phủ. Do đó, công nghệ đông lạnh thực phẩm, cấp đông sản phẩm đến nhiệt độ -18 độ C không được xem là sản phẩm chế biến.
Cũng theo ý kiến của nhiều DN, tại khoản 4 và khoản 16 Điều 2 của Luật An toàn Thực phẩm 2010 quy định: “4. Chế biến thực phẩm là quá trình xử  lý thực phẩm đã qua sơ chế  hoặc thực phẩm tươi sống theo  phương  pháp công nghiệp hoặc thủ công để  tạo thànhnguyên liệu thực phẩm hoặc sản phẩm thực phẩm”; “16.
Sơ chế thực phẩm là việc xử lý sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác nhằm tạo ra thực phẩm  tươi sống có thể ăn ngay hoặc tạo ra nguyên liệu thực phẩm hoặc bán thành phẩm cho khâu chế biến thực phẩm”. Theo đó, trong ngành chế biến thủy sản, cụm từ “theo phương pháp công nghiệp”  được sử  dụng là công nghệ  đông lạnh thực phẩm, cấp  đông sản phẩm đến nhiệt độ -18 độ C.
Tại Danh mục hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 quy định về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gồm: Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm thủy sản (1020), trong đó gồm: Chế biến thủy sản đông lạnh; chế biến, bảo quản thủy sản khô; chế biến và bảo quản các sản phẩm khác từ thủy sản; sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn từ thủy sản, sản xuất thức ăn gia súc gia cầm và thủy sản.
Những vướng mắc nêu trên trong thời gian qua đã gây khó khăn, tổn thất cho nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản. Vì vậy, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam kiến nghị: “Cho phép chế biến từ sản phẩm tươi sống đã qua đông lạnh đến -18 độ C, chế biến từ sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín, chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng GTGT được xem là hoạt động chế biến của doanh nghiệp thủy sản và được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính”.
Trước những vấn đề bất cập gây khó khăn cho nhiều DN thủy sản nêu trên, ngày 2/7, Bộ NN&PTNT đã chính thức có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, giải quyết và hướng dẫn về kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc điều chỉnh mức áp thuế đối với các sản phẩm thủy sản nhằm thực hiện chủ trương thúc đẩy phát triển ngành thủy sản, góp phần giúp DN giảm chi phí sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị  trường quốc tế, đặc biệt là trong thời kỳ hiện nay, doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.