Từ năm 2010, các KTS tình nguyện đã có sáng kiến tham gia phát triển không gian công cộng tại các khu dân cư tại Hà Nội, Hội An, Hòa Bình... Đến nay, riêng tại Hà Nội, các KTS tình nguyện đã hoàn thành sân chơi tại nhà văn hóa khu dân cư số 3 phường Hạ Đình và đề xuất nâng cấp cải tạo các sân chơi tại 7 khu dân cư của phường. Năm 2015, các KTS tình nguyện đã hợp tác với trường ĐH Xây dựng, ĐH Phương Đông để tổ chức các chương trình khảo sát, nghiên cứu, đề xuất phương án phát triển vườn hoa sân chơi, trong đó có sân chơi cho trẻ em tại phường Hạ Đình và Giáp Bát. Phương pháp triển khai các hoạt động của nhóm KTS tình nguyện là tranh thủ sự ủng hộ của các đoàn thể, chính quyền địa phương với phương pháp nghiên cứu là khảo sát thực địa, lập bản đồ, phỏng vấn trực tiếp; tổ chức thi công thực nghiệm; thiết kế - chế tạo - lắp dựng đồ chơi; theo dõi đo lường, đánh giá sự thay đổi và tổ chức tham vấn chuyên gia, cộng đồng. Những kết quả đã đạt được mới chỉ là bước đầu, các KTS tình nguyện sẽ có sự hợp tác với nhiều bên để phát triển sâu rộng mô hình sân chơi cho trẻ em. Các việc làm cụ thể, thiết thực của các KTS đã đóng góp cho việc nâng cao chất lượng không gian sống tại một số khu dân cư, đặc biệt tạo nhiều nơi vui chơi cho trẻ em. Các KTS tình nguyện hoạt động không có lương, không có thù lao, chỉ bằng sự nhiệt tình và trách nhiệm với cộng đồng. KTS Trần Huy Ánh - người đã đồng hành với chương trình KTS tình nguyện cho biết, việc làm sân chơi không chỉ dừng lại ở sáng kiến, các KTS đã phối hợp với nhiều bên để nghiên cứu, tham gia khảo sát đánh giá, tìm giải pháp thực hiện bằng nhiều giải pháp khác nhau; tác động đến xã hội, các cơ quan quản lý, tạo sự chung tay. Các KTS đã tham gia các diễn đàn truyền thông để bảo vệ những sân chơi bị chiếm dụng, bị biến tướng, hư hỏng; không ít sân chơi đã trở lại với chức năng vốn có thay vì chỗ để buôn bán, đỗ xe... Về chương trình tình nguyện của các KTS trẻ, giảng viên Lê Thùy Chi - trường ĐH Xây dựng cho biết, Dự án của trường ĐH Xây dựng có sự tham gia của 50 sinh viên, diễn ra trong 10 tuần với sự tham gia của các KTS, cộng đồng tại địa phương. Dự án có 2 giai đoạn, trong 5 tuần sinh viên đi khảo sát toàn bộ địa bàn phường Giáp Bát để tìm ra các không gian công cộng. Giai đoạn 2, các sinh viên trao đổi cùng với cộng đồng tại địa phương để thiết kế các sân chơi, vườn hoa cụ thể. Qua khảo sát điều tra xã hội học, vấn đề bức xúc nhất vẫn là vườn hoa, sân chơi cho trẻ em. Trong khi trẻ em phải chơi ở bên lề đường thì vẫn còn rất nhiều bãi đất trống tại khu vực Giáp Bát, không gian dọc hai bên sông Lừ chưa được tận dụng. Cho dù chưa thực sự bài bản và có hiệu quả lâu dài, những việc mà các KTS trẻ đã làm cho sân chơi trẻ em ở Hà Nội là những nỗ lực cần được đánh giá cao, đặc biệt là tinh thần chung tay vì cộng đồng. KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam đã đánh giá: “Nghề KTS là nghề vì cộng đồng. Vậy làm gì cụ thể để khơi dậy tình cảm, trách nhiệm, gần với cư dân, đặc biệt là những người nghèo? Các KTS trẻ đang làm những điều rất tốt đẹp cho xã hội, vì cộng đồng, trước tiên là vì trẻ em. Quan trọng hơn, từ những hành động này sẽ góp phần tạo thành phong trào quan tâm đến cộng đồng trong xã hội”.