Khi di tích không còn là điểm đến nhàm chán
Từ lâu, nhiều người luôn suy nghĩ, di sản là phải gìn giữ, bảo tồn… nghĩa là di sản chỉ tiêu tiền. Song giờ đây, khái niệm ấy đã dần thay đổi, bởi di sản chính là một “mỏ vàng”. Không chỉ dừng lại ở việc bán vé tham quan đơn thuần như nhiều di tích trên khắp cả nước bấy lâu nay, di tích nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long đang xây dựng các sản phẩm du lịch về đêm – tour đêm thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.
Đơn cử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách khá bất ngờ với sự lột xác của di tích này về đêm. Được quy hoạch bài bản thành các không gian mang chủ đề về đạo học như khu “Nhập đạo”, “Tứ linh huấn tử”, “khu Thành đạt”, “Hành trình đạo học”... kết hợp với các không gian trải nghiệm tương tác, thực tế ảo, nơi đây mang đến cho du khách cơ hội tìm hiểu sâu về tinh thần hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt. Đặc biệt, công nghệ 3D mapping mang chủ đề “Tinh hoa đạo học” đã chạm tới cảm xúc của người xem.
Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, trong xu thế đổi mới mạnh mẽ của ngành văn hóa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám định hướng phát triển thành một Trung tâm hoạt động văn hóa thực sự với chương trình hoạt động được dự kiến theo nhiều cấp độ thời gian khác nhau (theo năm, quý, tháng, tuần), trong đó có cả hoạt động ban ngày và buổi tối. Cùng với đó, số hóa toàn bộ các dữ liệu di sản và phát triển các ứng dụng tích hợp trên website hoặc cài đặt trên smartphone cho phép công chúng, khách tham quan tìm hiểu về di tích theo từng chuyên đề.
Mặt khác, với mục tiêu tạo một sức sống mới cho di sản về đêm, thu hút du khách trải nghiệm đêm Hà Nội, mới đây, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức chương trình “Đêm Hà Nội - Chạm vào cảm xúc” đồng thời công bố 15 tour du lịch về đêm của Hà Nội. Trên nền tường gạch in dấu thời gian của di tích Ô Quan Chưởng, công nghệ trình chiếu 3D mapping đã tái hiện hình ảnh cầu Long Biên, Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, đền Bạch Mã... hay các di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của Hà Nội như múa rối nước, xẩm, ca trù...
Với sự kết hợp của âm thanh, ánh sáng, người dân và du khách đã được thưởng thức một “bữa tiệc” công nghệ hấp dẫn, mới lạ. PGS.TS Đặng Văn Bài - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nhận định, đây chính là một trong những bước đi góp phần xây dựng nền công nghiệp văn hóa.
Tạo sức lan tỏa
Từ khi trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để giữ vững thương hiệu TP sáng tạo như Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 1/4/2022 về Triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO đến năm 2025...
Đồng thời, nhiều sự kiện đã được Hà Nội phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết của mình, đưa hoạt động thiết kế sáng tạo vào mọi mặt của đời sống. Trong đó có nhiều cuộc thi sáng tạo góp phần tái thiết đô thị, phát triển bền vững như: “Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội”; “Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội”…
Đặc biệt, sau 3 năm tổ chức, quy mô, chất lượng của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội ngày càng được mở rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ với giới sáng tạo của Thủ đô và cả nước. Nếu như năm 2021, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ hội chỉ diễn ra trong không gian nhỏ ở 22 Hàng Buồm thì tới năm 2023, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 với trên 60 sự kiện và không gian trải rộng trên nhiều địa điểm. Lễ hội tập trung vào chủ đề chính “Dòng chảy” nhằm hiện thực hóa chủ trương của TP Hà Nội về khai thác nguồn lực văn hóa phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô một cách bền vững. Đặc biệt, việc tổ chức Lễ hội tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm mở ra hướng chuyển đổi các cơ sở sản xuất công nghiệp di dời ra khỏi nội đô thành không gian sáng tạo.
Theo GS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Việc cải tạo không gian 2 di sản công nghiệp là Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành những không gian sáng tạo là việc làm rất phù hợp và kịp thời lưu giữ, phát huy những giá trị lịch sử, xã hội, khoa học - công nghệ, thẩm mỹ của di sản”.