Làm thủ tục hành chính tại Cục Hải quan Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng
Bởi vậy, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất, chỉ ân hạn thuế đối với nguyên liệu vật tư nhập khẩu phục vụ sản xuất xuất khẩu nếu DN không nợ thuế quá hạn.
Tháng 8/2004, Công ty TNHH XNK Gia Long (có địa chỉ số 101, tổ 22, phường Trung Liệt, Hà Nội), mở 3 tờ khai nhập khẩu từ Trung Quốc cho 3 lô hàng vải để sản xuất quần áo với tổng trị giá 272.961 USD, số thuế nhập khẩu mà công ty này phải nộp là 2,371 tỷ đồng. Với chính sách ân hạn nộp thuế, Công ty được lùi thời hạn nộp thuế nhập khẩu đến 275 ngày. Nhưng sau thời gian được gia hạn, công ty này vẫn chây ỳ, khất lần và cuối cùng… mất tích khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp DN đã lợi dụng chính sách ân hạn thuế để chây ỳ và trốn thuế. Bởi tại Hà Nội, thống kê của Cục Hải quan Hà Nội cho thấy, đến hết tháng 7/2012, tổng số nợ thuế quá hạn lên tới gần 869 tỷ đồng, trong đó, có hơn 50 tỷ đồng là nợ thuế của những trường hợp "bỏ trốn", "mất tích"... Theo Bộ Tài chính, việc một số DN lợi dụng chính sách ân hạn thuế để làm ăn gian dối, nợ thuế, thậm chí bỏ trốn đã gây thất thu thuế lớn cho Nhà nước. Đồng tình với quan điểm này, song lãnh đạo Bộ Công Thương, các Hiệp hội ngành nghề, các DN cho rằng, nếu bỏ việc ân hạn thuế như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ làm gia tăng chi phí tới hàng tỷ USD cho nhiều DN, gây ách tắc trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Tiếp thu những ý kiến này, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giữ nguyên thời gian ân hạn thuế 275 ngày nếu DN đáp ứng 3 điều kiện: Có cơ sở trực tiếp sản xuất hàng xuất khẩu; có hoạt động xuất nhập khẩu tối thiểu 2 năm tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan; cuối cùng, DN phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng theo quy định của pháp luật.