Nhiều yếu kém
Theo báo cáo, từ năm 2008 đến 2012, TP có 540 đề tài, dự án nghiên cứu KH ứng dụng vào cuộc sống, đặc biệt có gần 90 đề tài ứng dụng vào nông nghiệp nông thôn. Bộ KHCN đã hỗ trợ nhiều dự án phát triển nông thôn miền núi với kinh phí đầu tư hàng chục tỷ đồng, giúp bà con phát triển kinh tế tổng hợp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như xử lý cung cấp nước sạch công nghệ asen, bảo quản tiêu thụ sữa tươi, chế biến thức ăn tổng hợp, thiết bị xử lý mây tre đan…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái kiểm tra mô hình trồng hoa tại xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ. Ảnh Ánh Tâm
Tuy nhiên, nhiều ký kiến cho rằng, ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội còn nhiều yếu kém. Ông Nguyễn Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức chỉ rõ, công nghệ vẫn còn lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, việc phát huy sáng kiến, cải tiến đổi mới công nghệ chưa như mong đợi.
Đặc biệt, việc ứng dụng các tiến bộ KHCN xử lý ô nhiễm môi trường còn hạn chế, nhất là tại các làng nghề chế biến nông sản. Giám đốc Sở KHCN Hà Nội Lê Xuân Rao thừa nhận, việc gắn kết giữa nhà quản lý, nông dân với các tổ chức KHCN trong hoạt động nghiên cứu còn lỏng lẻo, khiến nhiệm vụ KHCN do các tổ chức đề xuất thực hiện không xuất phát từ nhu cầu sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, người dân vẫn thiếu thông tin về kết quả nghiên cứu để ứng dụng vào thực tiễn. Ngoài ra, việc canh tác nhỏ lẻ theo quy mô sản xuất hộ gia đình, đã gây khó khăn trong việc đưa cơ giới hóa, áp dụng công nghệ trong sản xuất, nuôi trồng, chế biến các sản phẩm nông nghiệp và phát triển các sản phẩm làng nghề ở quy mô công nghiệp.
KHCN đi trước một bước
Để hạn chế những bất cập, yếu kém trên, theo ông Lê Xuân Rao, cần loại bỏ những cơ chế, chính sách không phù hợp. Đặc biệt, đẩy mạnh mô hình liên kết 3 nhà: Quản lý, khoa học và sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, hàng năm TP nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Với định hướng lâu dài trong phát triển phong trào nghiên cứu KHCN, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái đề nghị, Hà Nội cần đưa KHCN đi trước một bước để giải quyết kịp thời những vấn đề do thực tiễn đặt ra và cung cấp luận cứ khoa học cho việc thực hiện chiến lược phát triển Thủ đô.
Hà Nội đang quyết tâm đi đầu trong đổi mới cơ chế quản lý, nhất là cơ chế đầu tư tài chính, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN sạch. Theo đó, yêu cầu đặt ra đối với Sở NN&PTNT hiện nay là sớm nghiên cứu thành lập trung tâm nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới và khai thác có hiệu quả tiềm lực phát triển KHCN, cũng như có chế độ thu hút nhân tài.
Đi kiểm tra thực tế HTX trồng hoa xã Thụy Hương (Chương Mỹ) và Công ty cơ khí và thương mại Đức Nhật (Hoài Đức) - hai mô hình điển hình ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái yêu cầu huyện Chương Mỹ nhân rộng mô hình trồng hoa, đồng thời tiếp tục ứng dụng KHCN trong phát triển sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế địa phương. Đối với Công ty cơ khí và thương mại Đức Nhật, đồng chí yêu cầu doanh nghiệp cần nghiên cứu nhu cầu của thị trường, hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra nhiều nước trên thế giới. |