Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thất thoát kép trong định giá dự án BT

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc các bên cố tình khai khống nâng giá trị dự án trong khi dìm giá đất giảm xuống khi thực hiện các Dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT) đã gây thất thoát kép cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, thậm chí hơn thế nữa. Đó là ý kiến đã được các đại biểu nêu ra tại Hội thảo “Kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và những vấn đề đặt ra” ngày 6/12/2018.

 Hợp đồng chuyển nhượng khu đất hơn 30ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè giá chỉ 419 tỷ đồng, tương đương 1,29 triệu đồng/m2, trong khi mặt bằng giá thị trường không dưới 2.000 tỷ đồng.
Tháng 4/2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã họp khẩn và yêu cầu Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận đàm phán với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai để hủy hợp đồng chuyển nhượng khu đất hơn 30ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè với giá chỉ 419 tỷ đồng, tương đương 1,29 triệu đồng/m2. Trong khi mặt bằng giá thị trường không dưới 2.000 tỷ đồng.
Vụ việc liên quan đến Vũ “nhôm”, Út “trọc”, Thủ Thiêm… là một số trong hàng loạt các ví dụ liên quan đến thất thoát ngân sách vì những sai phạm liên quan đến quản lý đất đai nói chung và định giá đất nói riêng.
Theo TS Vũ Đình Ánh, câu chuyện quản lý đất đai giai đoạn 2014 - 2018 cho thấy, những sai phạm trong lĩnh vực này, điển hình như vụ việc Út “trọc”, Vũ “nhôm”, Thủ Thiêm… đang gây hậu quả lớn về kinh tế và xã hội. Đặc biệt, có tình trạng thất thoát kép trong phê duyệt các dự án BT khi các chủ đầu tư cố tình nâng khống giá trị dự án trong khi lại dìm giá đất xuống.
Ông Ánh cho rằng, việc định giá đất chưa phù hợp đang làm méo mó sự vận động của thị trường bất động sản, tạo điều kiện nảy sinh hàng loạt sai phạm trong quản lý tài chính đất, từ thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất đế tính giá trị DNNN khi thực hiện cổ phần hóa hay xác định giá trị đất sử dụng để đổi lấy hạ tầng.
Qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước (KNNN) đã kiến nghị xử lý tài chính 7.778 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc xác định giá đất của nhiều dự án còn kéo dài, chưa đảm bảo thời gian các bước theo quy trình làm chậm thu vào NSNN. Nếu tính toán như phạt chậm về thuế tại một số địa phương có đủ căn cứ tính thì số tiền phạt chậm nộp do chậm xác định giá đất, chậm phát hành thông báo thu tiền sử dụng đất 1.074 tỷ đồng.
Nói về sự bất cập của chính sách trong áp dụng phương pháp xác định giá đất, TS Hồ Đức Phớc - Tổng KTNN cho biết, theo quy định hiện hành, có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng lại không bắt buộc áp dụng phương pháp nào. Do đó, các cơ quan quản lý tùy tiện áp dụng các phương pháp khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau. Các phương pháp khác nhau chênh lệch với nhau hàng chục lần giá trị.
“Đây là lỗ hổng dễ bị lợi dụng để trục lợi làm thất thoát ngân sách nhà nước. Những sơ hở, hạn chế của phương pháp xác định giá đất không những giữa các phương pháp khác nhau mà còn tồn tại ngay trong từng phương pháp nên việc tính toán đưa ra giá đất sát với giá thị trường khó khả thi, vì chứa đựng nhiều yếu tố chủ quan, giả định, không đủ cơ sở xác định chính xác giá đất”- ông Phớc nói. Vì thế, theo Tổng KTNN là hoàn thiện pháp luật về đất đai là giải pháp hết sức quan trọng, trong đó hoàn thiện phương pháp xây dựng giá đất là vấn đề quan trọng, cốt lõi nhằm bịt lỗ hổng trong định giá đất đai.