Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi cách đánh giá cấp độ dịch để thích ứng

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ Y tế rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch Covid-19 để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

Tiêm phòng Covid-19 cho học sinh trường THCS Nguyễn Trãi, quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Tiêm phòng Covid-19 cho học sinh trường THCS Nguyễn Trãi, quận Ba Đình. Ảnh: Phạm Hùng

Nhiều chuyên gia y tế cũng đồng tình với nội dung này, và cho rằng, không nên dựa vào số ca mắc mắc mới, mà căn cứ vào số ca diễn biến nặng, ca tử vong để đánh giá tình hình dịch.

Không quá quan trọng số ca mắc mới

Theo Quyết định 4800/QĐ-BYT Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" được ban hành ngày 12/10/2021 có 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch Covid-19. Đó là tiêu chí về số ca mắc mới tại cộng đồng; về tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vaccine và tiêu chí về đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Hướng dẫn nêu rõ, trường hợp không đạt được tiêu chí 3 thì không được giảm cấp độ dịch. Phải tăng lên 1 cấp độ dịch nếu không đạt được yêu cầu về tỷ lệ tiêm vaccine của người cao tuổi (trừ khi địa bàn đang có dịch ở cấp độ 4 hoặc không có ca mắc). Tuy nhiên, dựa vào các tiêu chí trên để đánh giá cấp độ dịch hiện nay không còn phù hợp.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tỷ lệ ca nhiễm ở các địa phương có số ca mắc lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... đã giảm sâu. Tỷ lệ tử vong cũng giảm, có lúc giảm xuống hơn 50 ca một ngày. Tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 của người dân cũng tăng cao, sẽ sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng với hơn 75% người dân được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện cả nước có hơn 70 triệu người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 2, hơn 10 triệu người đã tiêm mũi 3. Các địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vaccine mũi 3 cho toàn bộ người dân đủ điều kiện tiêm chủng.

Tại Hà Nội, hiện số ca mắc mới gần 3.000 ca mỗi ngày, những ngày tới có thể trên con số trên 3.000 F0/ngày. Tuy nhiên, số ca bệnh diễn biến nặng và số bệnh nhân tử vong rất thấp. Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến sáng 10/1, toàn TP có 46.647 F0 đang điều trị, trong đó chủ yếu là theo dõi, điều trị tại nhà với 36.460 trường hợp, có 267 bệnh nhân diễn biến nặng. Số bệnh nhân tử vong trong những ngày qua trên dưới 10 ca/ngày, bệnh nhân diễn biến nặng 267 người/46.647 F0 đang điều trị.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, với diễn biến dịch bệnh hiện nay, tiêu chí đánh giá số ca nhiễm mới trên 100.000 dân một tuần không còn quá quan trọng. Xu hướng hiện nay là tập trung dựa vào tỷ lệ bệnh nhân nặng, nhập viện, tử vong và tình hình đáp ứng thu dung, điều trị của các địa phương để đánh giá tình hình dịch bệnh.

Muốn thích ứng phải thay đổi

Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp xây dựng chiến lược tổng thể phòng, chống Covid-19, điều chỉnh một số tiêu chí so với hướng dẫn tạm thời trước đây. Bộ Y tế cũng sẽ đề nghị các địa phương khi đánh giá cấp độ dịch (4 cấp độ) càng chia nhỏ càng tốt, đánh giá tới từng cụm dân cư, từng khu phố...

“Khi đó, chúng ta sẽ có các biện pháp chặn dịch hiệu quả hơn mà không ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, sinh hoạt của địa phương trên diện rộng” - lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh.

Hiện nay đang có tình trạng bất cập, một số địa phương yêu cầu người trở về từ vùng đỏ, vùng cam phải tự cách ly theo dõi tại nhà 7 ngày. Tuy nhiên, thực tế có trường hợp người dân ở quận vùng cam, nhưng xã, phường nơi cư trú lại vùng xanh, nhưng khi về quê vẫn phải cách ly. Ngược lại, có tình trạng người dân ở xã phường vùng cam, nhưng lại thuộc quận, huyện vùng xanh, rất khó để xác định có phải cách ly hay không khi di chuyển đến địa phương khác.

Đề xuất thay đổi cách đánh giá về cấp độ dịch được nhiều chuyên gia đồng tình. PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh và chỉ nên cập nhật số ca bệnh nặng, tử vong. Ngoài việc bao phủ vaccine đạt tỷ lệ cao, Việt Nam đang thực hiện chủ trương thích ứng an toàn với Covid-19.

Vì vậy, việc đếm số ca nhiễm mới hằng ngày "không còn có quá nhiều ý nghĩa quan trọng". Quan trọng hiện nay, ngành y tế và các địa phương nên phân loại bệnh nhân nặng và tử vong theo các nhóm đã tiêm vaccine, chưa tiêm vaccine, có bệnh nền, nhập viện điều trị muộn.

Việc phân loại cần được sát sao hơn, tránh bỏ sót trường hợp bệnh nhân nặng ngoài cộng đồng không được nhập viện điều trị kịp thời; ngược lại, những bệnh nhân nhẹ, đủ điều kiện cách ly tại nhà thì nên được theo dõi tại nhà. Việc này một số địa phương còn cứng nhắc khi thực hiện. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, mục tiêu hàng đầu của ngành y tế hiện nay là bảo vệ nhóm nguy cơ cao.

Còn theo TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, thay vì thông báo số ca nhiễm mới hàng ngày, các bản tin dịch tễ nên công bố cho người dân biết về số ca tử vong, độ tuổi tử vong, tình trạng tiêm vaccine và các bệnh lý nền.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng trong bối cảnh "bình thường mới", việc tăng cường giao thương và hoạt động sản xuất khiến số ca nhiễm tăng cao là xu hướng tất yếu.

"Người dân không nên nhìn vào tổng số ca nhiễm mỗi ngày mà hoang mang, bởi hầu hết người từ 12 tuổi đã được tiêm chủng 2 mũi vaccine. Con số đáng lo ngại là tỷ lệ bệnh nhân nặng và ca tử vong. Hiện chúng ta cần tập trung kéo giảm 2 con số này", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nói.

Lo ngại về địa có có số ca mắc cao nhất cả nước trong suốt mấy tuần qua là Hà Nội, theo nhiều chuyên gia y tế, không quá lo ngại trước số ca mắc hàng ngày tại Thủ đô cũng như cả nước. Thực tế, tỷ lệ tử vong của Hà Nội thấp, hiện trên dưới 10 ca/tử vong mỗi ngày, chủ yếu rơi vào người cao tuổi, có bệnh lý nền. Hà Nội hiện nay cũng đang dần thích ứng khi nhiều địa bàn đón học sinh trở lại, mở cửa các hoạt động giao thương, các phương tiện công cộng. Tại điểm ghi nhận F0 cũng không còn lập rào chắn, phong tỏa cả khu, cả tầng như trước đây mà chỉ cách ly tại nơi F0 sinh sống.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, số ca Covid-19 tăng nóng thời gian gần đây đã nằm trong kịch bản được lường trước và sẵn sàng ứng phó. Trong bối cảnh hiện tại, ngành y tế TP đang nỗ lực để bảo vệ người yếu thế, người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính, giảm tỷ lệ tử vong ở những trường hợp này.

 

Việc phải đánh giá lại cấp độ dịch để “thích ứng” là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay. Dù không quá quan trong số ca mắc mới, nhưng theo khuyến cáo của Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê: “Tình hình dịch trên thế giới và Việt Nam đang phức tạp. Chúng ta đã vượt giai đoạn gay cấn nhất của làn sóng dịch thứ tư, tuy nhiên vẫn phải chuẩn bị các điều kiện để đón các làn sóng dịch mới, khi chủng Omicron lây lan trong cộng đồng. Vì vậy người dân không được lơ là, chủ quan".