Về phía Bộ Công an có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an: Thượng tướng Lương Tam Quang, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc; đại diện lãnh đạo các Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an. Dự buổi làm việc còn có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông; Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội.
Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của các bộ ngành Trung ương, trong đó có Bộ Công an, trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm, TP Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP...
Khẳng định công tác phối hợp giữa hai bên rất hiệu quả và Hà Nội là nơi đặc biệt trọng điểm, Bộ trưởng Tô Lâm cũng cảm ơn Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã phối hợp triển khai đồng bộ nhiều mặt công tác; hỗ trợ đảm bảo an ninh, duy trì trật tự đô thị, an toàn giao thông và quan tâm đến Công an TP Hà Nội.
“Trong việc thực hiện Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…Bộ Công an cảm ơn Hà Nội đã hỗ trợ quy hoạch, bố trí đất đai xây dựng các công trình an ninh, trụ sở các đơn vị”, Bộ trưởng Tô Lâm nói thêm.
Nhấn mạnh việc triển khai Đề án 06 là rất quan trọng, Đại tướng Tô Lâm phân tích, việc đổi mới cung cách quản trị xã hội từ quản lý “thủ công bằng tay” chuyển sang “quản lý bằng đầu” đã thấy rõ yêu cầu phải thay đổi cách quản trị xã hội, tìm người dân để phục vụ.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đã trả lời một số kiến nghị của thành phố và trao đổi thêm về việc thực hiện Đề án 06 mà Hà Nội được Thủ tướng chọn làm nơi làm điểm.
Nêu lại sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nêu mốc ngày 12/4 vừa qua, Hà Nội đã đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu; thành công với các dịch vụ công trực tuyến, thí điểm liên thông khai sinh, khai tử với hơn 3.000 hồ sơ được giải quyết. Tổ Công tác 06 của thành phố thường xuyên được mời lên họp cùng Bộ Công an. Từ đó, 65 khó khăn, vướng mắc của Hà Nội đã được giải quyết gần một nửa.
Ngay trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo các bộ tháo gỡ các khó khăn vướng mắc còn lại. Dẫn chứng việc Bệnh viện Xanh Pôn đã sử dụng phần mềm đăng ký khám bệnh, xác nhận sinh trắc học, thanh toán không dùng tiền mặt…Thứ trưởng, Bộ Công an khẳng định, nếu việc này được nhân rộng, dữ liệu y tế của Hà Nội sẽ sớm đầy đủ, hoạt động hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị Hà Nội sớm triển khai thí điểm, hoàn thành bộ dữ liệu đất đai gắn liền với số nhà để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành hiệu quả.
Liên quan đến công tác phòng chống tội phạm, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, qua theo dõi, Hà Nội đã đảm bảo nhận diện tội phạm, triển khai hiệu quả các biện pháp mà Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo. Lưu ý một số loại tội phạm vẫn có diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị Giám đốc CATP báo cáo lãnh đạo thành phố để điều tra cơ bản, tổng thể để nhận diện, từ đó có giải pháp cụ thể với từng loại hình tội phạm truyền thống, tội phạm mới. Đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội để phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Về công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị tăng cường giám sát với các lĩnh vực: quản lý sử dụng đất đai, quy hoạch; hoạt động đấu giá, định giá; thu hồi đất, quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, qua 2 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Công an trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kết quả bước đầu đáp ứng yêu cầu.
Điểm qua một số thành tựu, điểm nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của các bộ ngành trung ương, trong đó có Đảng ủy Công an trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, thành phố Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Nêu kiến nghị với lãnh đạo Bộ Công an, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, với định hướng phát triển thành phố Hà Nội “Văn hiến, văn minh, hiện đại”, sẽ có rất nhiều vấn đề tồn tại phải giải quyết, cần Bộ Công an trực tiếp tham gia, chỉ đạo Công an thành phố phối hợp, vào cuộc với các cấp ủy chính quyền của thành phố thực hiện, như: công tác cải tạo chung cư cũ; các dự án trọng điểm chậm triển khai trên địa bàn; thực hiện đề án quản lý tài sản công; phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính…
Bí thư Thành ủy khẳng định, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ổn định về tư tưởng, tinh thần cho cán bộ các cấp quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân".
Hà Nội cần sớm có quy hoạch tổng thể chung để phát triển
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm chúc mừng những thành tựu của Thủ đô thời gian qua và nói rõ: “Bộ mặt TP thay đổi, nhân dân phấn khởi, được sống trong môi trường hòa bình, không khí trong lành. Đây là nội dung các tỉnh thành khác cũng đánh giá như vậy”.
Về các nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, nhu cầu phát triển của TP và khẳng định ủng hộ Hà Nội phát hiện kinh tế sạch, hiện đại, công nghiệp điện tử, phát triển dịch vụ du lịch.
Đại tướng Tô Lâm cũng mong muốn Hà Nội sớm có quy hoạch tổng thể chung để phát triển Thủ đô, với giải pháp cụ thể để giải bài toàn dân số tập trung ở nội đô, mở ra không gian phát triển mới.
“Quy hoạch 10 năm nữa ra sao, 50 năm thế nào, 100 năm… công khai, minh bạch, cụ thể để người dân biết, làm từ 1 phường rồi đến quận”, Bộ trưởng Tô Lâm gợi mở.
Bộ trưởng Bộ Công an cũng nhấn mạnh việc Hà Nội cần duy trì được trật tự đô thị và nhấn mạnh lần nữa về tầm quan trọng của quy hoạch để giảm mật độ dân số cũng như các tiện ích giao thông, dịch vụ phục vụ du khách.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Tô Lâm mong muốn, tin tưởng Hà Nội sẽ triển khai mẫu mực Đề án 06 bởi tầm văn hóa, tầm hiểu biết của người người dân Thủ đô. Đại tướng Tô Lâm gợi mở CATP cần nỗ lực từ nay 30/7 cấp được hết CCCD gắn chip cho hết người dân trên địa bàn.
"Từ đó, người dân không cần các giấy tờ khác, có thể dùng CCCD gắn chíp để vay tiền, rút tiền, thuê bao điện thoại, thực hiện được các giao dịch khác, bỏ được những giấy tờ khác", Bộ trưởng Tô Lâm nói thêm về các tiện ích có thể mang tới cho người dân.
Nhấn mạnh công tác cải cách hành chính phải quản lý được con người, quản trị được xã hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo phân ra từng phường, từng xã phải thống kê còn bao người chưa được cấp, đến tận nhà phục vụ người dân với thời hạn hoàn thành cụ thể. “Hà Nội làm được việc này thì rất hay. Tôi tin cơ bản là làm được, đây là bước căn bản để tạo chuyển biến chung”, Bộ trưởng Tô Lâm nói rõ.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng khẳng định, đã trao đổi với các bộ ngành về việc một số thủ tục có thể bỏ được để mang lại thêm nhiều tiện ích phục vụ nhân dân từ Đề án 06; cần tiếp tục rà soát, rút gọn hơn nữa…
Bộ Công an sẽ có trách nhiệm hết sức, đồng hành với Hà Nội và bày tỏ mong muốn Hà Nội tiếp tục giúp đỡ hỗ trợ trong dự án Trung tâm dữ liệu Quốc gia ở Khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc; các công trình an ninh trọng điểm của Bộ Công an...
Trong những năm qua, Hà Nội luôn quan tâm bố trí ngân sách hỗ trợ cho lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp thành phố giai đoạn 2021-2025 được HĐND TP thông qua (đã cập nhật điều chỉnh tại kỳ họp HĐND thành phố tháng 12-2022); trong đó, ngân sách thành phố đã dự kiến cân đối 6.149,47 tỷ đồng (chiếm 5,3% kế hoạch vốn dự án xây dựng cơ bản tập trung ngân sách thành phố) để hỗ trợ đầu tư 42 dự án xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị và 1 đề án xây dựng trụ sở làm việc và trang thiết bị đối với Công an xã trên địa bàn TP Hà Nội.