Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi cách ra đề thi môn Ngữ văn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa đầy hai tháng nữa là diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, nhưng Bộ GD&ĐT quyết định thay đổi cấu trúc và rút ngắn thời gian thi môn Ngữ văn khiến nhiều giáo viên, học sinh bị “sốc”.

Đây là vấn đề “nóng” được bàn luận tại Hội thảo Đổi mới, kiểm tra đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường phổ thông do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 10/4 tại Hà Nội.

Môn thi chuyển thành… bài thi

Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trong dạy học sẽ đổi mới từ kiểm tra kiến thức đã học sang vận dụng kiến thức trong hoàn cảnh cụ thể và phát huy năng lực. Với môn Ngữ văn, những năm gần đây, đề ra theo hướng “mở” để phát huy được năng lực, trí tuệ, tình cảm, đạo đức của HS gắn với thực tiễn của cuộc sống. Tuy nhiên, tại hội thảo này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận, nhiều HS vẫn phải học theo bài văn mẫu, dùng bài văn mẫu để làm bài thi thật; nhiều nơi môn Văn vẫn được dạy theo cách cũ và đánh giá kiểu cũ; đề ra theo hướng “mở” nhưng đáp án “đóng”.

 
Ảnh minh họa. Interrnet
Ảnh minh họa. Interrnet
Bởi thế, Bộ GD&ĐT sẽ thay đổi cách kiểm tra đánh giá bắt đầu từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Sẽ có sự đột phá trong cách ra đề thi các môn, trong đó môn Ngữ văn được chú trọng hơn. “Tất nhiên có chiếu cố đến thực tế dạy học hiện nay, nhưng vẫn yêu cầu cao hơn,  năm sau cao hơn năm trước và làm dần qua từng năm.. Hiện Bộ đang có xu hướng thi theo bài, nghĩa là trong bài thi không chỉ đụng chạm kiến thức của một môn học, một lĩnh vực mà đánh giá năng lực tổng hợp, vận dụng năng lực tích hợp để giải quyết vấn đề” - Thứ trưởng Hiển thông tin.

Thảo luận về đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2014, PGS Đỗ Ngọc Thống-Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới Chương trình-Sách giáo khoa sau năm 2015 đề xuất hướng ra theo 4 nguyên tắc. Trong đó, nhấn mạnh hướng kiểm tra toàn diện hơn, bước đầu vận dụng cách đánh giá theo năng lực nhằm xác định đúng năng lực viết và năng lực đọc hiểu của HS. Tổng điểm bài thi được tính theo thang điểm 20, cụ thể năng lực đọc hiểu (6/20) gồm kiểm tra kiến thức về tiếng Việt (2 điểm), yêu cầu  tóm tắt ý chính của một đoạn văn cho trước (văn bản có thể là Văn học, Sử, địa, Khoa học tự nhiên…) (2 điểm). Năng lực viết (14/20 điểm) gồm viết nghị luận xã hội (7/20) yêu cầu tích hợp các kiến thức lịch sử, địa lý, đạo đức, văn hóa…) ra theo dạng đề mở và đáp án mở; viết nghị luận văn học (7/20 điểm) yêu cầu vận dụng sáng tạo những hiểu biết về kiến thức và kỹ năng văn học để thực hành, phân tích, đánh giá, bình luận, bác bỏ một vấn đề văn học, một văn bản, trích đoạn được học trong SGK hiện hành.

Đổi mới phải có lộ trình

Tại hội thảo này, đa số các đại biểu đồng tình với việc đổi mới ra đề thi môn Ngữ văn theo hướng “mở” để phát huy năng lực và sáng tạo của người học. Rất nhiều các ví dụ đề thi được đưa ra rất hay nhưng quá sức đối với HS vì số câu hỏi nhiều trong khi thời gian làm bài bị rút ngắn xuống còn 120 phút. “HS ở TP có học lực giỏi và khá thì không vấn đề, còn HS học lực trung bình và ở nông thôn phải làm sao? Điểm môn Ngữ văn bị xuống thấp phải thế nào? Đề nghị đổi mới phải có lộ trình để giáo viên có thời gian tiếp cận và vận dụng cái mới”-một giáo viên ở Trường Quốc học Huế đặt câu hỏi và đề xuất.

Đi sâu vào nội dung đề thi, PGS Bùi Mạnh Nhị- Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ-Bộ GD&ĐT tham luận với tư cách phụ huynh: “Đề “mở” không phải là “mở” vô biên mà khuyến khích sự sáng tạo của HS và trong cái “mở” thì vẫn phải yêu cầu những kỹ năng bắt buộc”. Với thực trạng dạy- học, tình hình thi cử nhiều năm nay chậm đổi mới, cô Phạm Thị Huệ đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định và nhiều giáo viên khác cho biết các em HS đang lúng túng vì chưa trang bị được các kỹ năng để làm bài môn Văn. Không biết phần đọc hiểu là đưa đoạn văn bản vào sau đó có hệ thống các câu hỏi tích hợp kiến thức hay những câu hỏi rời rạc? câu hỏi ra theo hướng nào? văn bản ở bên trong hay ngoài chương trình SGK?

Cũng có những ý kiến cho rằng, 120 phút không thể đánh giá hết được năng lực của HS. Do đó, đề thi nên bám vào các bài trong chương trình của môn học, đừng quá chạy theo cái bên ngoài SGK. Ví dụ, chúng ta cho HS tái tạo nhân vật để được sáng tạo và tư duy? Hoặc cho các em dự đoán đường đi khác của nhân vật trong tác phẩm?

Trao đổi bên lề hội thảo về đề thi môn Ngữ văn, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, không thay đổi cấu trúc đề thi môn Ngữ văn mà chỉ quán triệt đúng hơn mục tiêu dạy học, sát hơn với mục tiêu Bộ đã hướng dẫn. Kiểm tra đọc hiểu là yêu cầu bắt buộc của môn Ngữ văn được thực hiện từ tiểu học đến THPT chiếm tỷ trọng lớn trong thời gian cũng như kết cấu của môn học này.

“Đề thi bám chương trình, tức là không thoát khỏi những tác phẩm đang giảng dạy là cách hiểu sai. Chương trình không có nghĩa là học tác phẩm nào thì thi tác phẩm đó, mà thông qua đó năng lực đọc hiểu, cảm thụ của HS đến đâu. Đó là điều cần kiểm tra chứ không phải xem HS nhớ đến đâu, việc này Bộ đã chỉ đạo thực hiện rồi!” - Thứ trưởng Hiển khẳng định.