Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi cách tiếp cận

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 3 ngày (17-19/2), tại Hội nghị thượng đỉnh quốc tế chống khủng bố tổ chức ở Washington (Mỹ), đại diện của 65 quốc gia đã thảo luận những phương pháp đấu tranh chống truyền bá tư tưởng khủng bố, ngăn chặn việc tuyển mộ chiến binh ngoại quốc tham gia tấn công khủng bố.

Hội nghị thượng đỉnh này vốn được lên kế hoạch tổ chức từ lâu, nhưng sau các vụ tấn công khủng bố tại Paris (Pháp) hồi tháng trước, các chủ đề được thảo luận như chia sẻ kinh nghiệm và thông tin, thực hiện các biện phòng phòng ngừa nguy cơ tấn công khủng bố ngay trong các cộng đồng trở nên thời sự và cấp bách hơn. Hội nghị thượng đỉnh này là một phần của chiến lược ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực tại Mỹ được Tổng thống Barack Obama đề xuất từ năm 2011.

Thách thức toàn cầu

Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Tổng thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon cũng cho rằng, không điều gì có thể biện minh cho tội ác kinh hoàng mà các nhóm khủng bố đã thực hiện với những người vô tội. Điều đáng nói là nạn nhân của các tổ chức khủng bố hầu hết là người Hồi giáo, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái đang phải chịu sự lạm dụng mang tính hệ thống gồm cả bắt cóc, cưỡng bức hôn nhân và nô lệ tình dục.

Thay đổi cách tiếp cận - Ảnh 1

Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon phát biểu tại Hội nghị

Theo Tổng thư ký LHQ, “những kẻ cực đoan đang theo đuổi một chiến lược cố ý gây sốc và sợ hãi để kích động, chia rẽ chúng ta” và đã đến lúc cần phải công nhận chủ nghĩa cực đoan bạo lực là một thách thức toàn cầu. Chủ nghĩa cực đoan bạo lực đã vượt qua biên giới và để giải được “bài kiểm tra hóc búa nhất của nhân loại trong thế kỷ XXI”, ông Ban Ki-moon cho rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải đoàn kết.

Đặc biệt, theo người đứng đầu LHQ, ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan đòi hỏi một cách tiếp cận đa dạng. Các hoạt động quân sự dù quan trọng nhưng không phải là toàn bộ giải pháp mà có thể tìm cách khắc phục những yếu tố mà các nhóm bạo lực cực đoan lợi dụng để chiêu mộ thành viên như tình trạng tham nhũng, bất công, thất nghiệp, thông qua hoạt động giáo dục, thúc đẩy nhân quyền...

Chiến lược chống khủng bố toàn cầu của LHQ đã được thông qua năm 2006 và hồi tháng 9/2014, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua một nghị quyết tăng cường hơn nữa các nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến cam go này. Theo kế hoạch, LHQ sẽ công bố một kế hoạch hành động để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực để Đại hội đồng bàn thảo và thông qua vào cuối năm nay.

Bước đi khôn ngoan

Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, Tổng thống chủ nhà Barack Obama đã tận dụng cơ hội này để khẳng định nước Mỹ và liên minh quốc tế không thực hiện cuộc chiến với Hồi giáo mà đang tiến hành chiến tranh với những người đã làm tha hóa đạo Hồi.

Ông Obama cũng thể hiện quyết tâm không để IS lợi dụng thuật ngữ “chiến tranh Hồi giáo” để chiêu mộ, tuyển dụng binh sĩ là những người Hồi giáo bất mãn với những chính sách của cộng đồng quốc tế và nước sở tại.

Thay đổi cách tiếp cận - Ảnh 2

Mặc dù thừa nhận nhiều người theo đạo Hồi tại Mỹ vẫn gặp phải không ít rào cản để hòa nhập hoàn toàn nhưng ông Obama đã không tiếc lời ca ngợi những đóng góp của cộng đồng Hồi giáo tại đây trong sự thành công và thịnh vượng của nước Mỹ.

Qủa thật, trong nhiều bài phát biểu, Tổng thống Obama chưa bao giờ đưa ra bất kỳ sự liên hệ nào giữa Hồi giáo với chủ nghĩa cực đoan bạo lực, điều được giới bình luận nhận định là một bước đi khôn ngoan của ông chủ Nhà Trắng.

Ông Obama cũng không giấu diếm ý định thay đổi khái niệm về “chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan” được đưa ra sau khi người tiền niệm George Bush phát động cuộc chiến chống khủng bố sau vụ tấn công 11/9.

Mâu thuẫn trong cách tiếp cận

Ngay cả khi đề cập đến các vụ giết người táo tợn ở Chapel Hill, North Carolina do ba người Mỹ theo đạo Hồi, ông Obama cũng bộc lộ cách tiếp cận hết sức thận trọng. Lảng tránh trả lời câu hỏi về động cơ giết người, Tổng thống đã nhấn mạnh đến sự đoàn kết và hỗ trợ của chính quyền đối với người Mỹ thuộc mọi tôn giáo và nguồn gốc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trường nước Mỹ đang bị chi phối bởi cuộc đối đầu giữa Tổng thống của đảng Dân chủ và Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát, cách tiếp cận thận trọng của ông Obama đã gặp phải không ít sự phản đối. Theo các chính trị của đảng Cộng hòa, chiến lược chống khủng bố của nước Mỹ sẽ không thể thành công nếu Tổng thống không thể hoặc không sẵn sàng để đối mặt với bản chất thật sự của các mối đe dọa.

Tại Hội nghị, mặc dù thống nhất quan điểm cần tăng cường chia sẻ, phối hợp trong cuộc đấu tranh chống IS nhưng một số đại biểu đã nêu ra nhiều vấn đề đáng lưu ý. Giáo sư Riedel thuộc Học viện Brooking cho rằng, nếu như cộng đồng quốc tế có thái độ rõ ràng, ủng hộ một nền hòa bình công bằng, đúng đắn và bền vững giữa Israel và Palestine sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều việc đưa ra các thông điệp chống khủng bố chung chung. Trong khi đó, đa số người Hồi giáo trên toàn thế giới mong muốn dư luận quốc tế không nên chĩa mũi dùi chỉ trích vào một cộng đồng cụ thể bởi họ luôn luôn bác bỏ tư tưởng cực đoan và thường xuyên phải hứng chịu hậu quả của việc đánh đồng giữa khủng bố và đạo Hồi.

Vậy là trong lúc chủ nghĩa cực đoan bạo lực đang trở thành một thách thức toàn cầu, đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng quốc tế, Mỹ - quốc gia đảm nhiệm vai trò thủ lĩnh của cuộc chiến quan trọng này đang mắc kẹt trong mâu thuẫn nội bộ. Dù cách tiếp cận với chủ nghĩa cực đoan của chính quyền Tổng thống Obama đã và đang có sự thay đổi theo chiều hướng mềm dẻo và linh hoạt hơn nhưng nếu nội bộ nước Mỹ không gạt sang một bên những toan tính riêng thì cuộc chiến chung này rất khó có cơ hội để thành công.